Hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ngay vị trí trung tâm thành phố Hà Nội. Diện tích của hồ khoảng 12 ha, vốn là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại. Hồ này được xem là biểu tượng, linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cũng như các địa danh, thắng cảnh khác của Hà Nội, đã nhiều lần đổi tên theo biến thiên của thời đại. Những cái tên xưa cũ có người nhớ, người không, nhưng đều mang ý nghĩa nhất định.
Theo cuốn Sông hồ Hà Nội. trên bản đồ Hà Nội năm 1897, khu phố cổ Hà Nội đếm được 41 hồ lớn nhỏ khác nhau. Thế nhưng, đến năm 1969, các hồ ở khu phố cổ đã “biến mất” gần hết, chỉ còn Hồ Hoàn Kiếm và một hồ rất nhỏ gần góc đường Trần Nguyên Hãn và Lý Thái Tổ, thực ra là bể bơi của Cung thiếu nhi. Và đến nay, khu vực quận Hoàn Kiếm chỉ còn lại duy nhất Hồ Gươm.
Theo các bản đồ cổ và tư liệu khác, Hồ Hoàn Kiếm xưa kia rộng hơn nhiều so với ngày nay. Hồ kéo dài từ phố Hàng Đào đến tận phố Hàng Chuối, chia làm hai phần: hồ trên và hồ dưới, ngăn cách bởi doi đất làng Cựu Lâu và có lạch thông với sông Hồng.
Hồ Hoàn Kiếm từng có một số tên gọi khác như Hồ Hoàn Gươm (trên bản đồ 1886), Hồ Lục Thủy (có nước màu xanh quanh năm). Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và hồ Hữu Vọng (hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi để duyệt quân của triều đình). Đến thời Tự Đức (1847-1883), hồ Hữu Vọng có tên là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là Hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 1884, người Pháp cho lấp hồ Thuỷ Quân để xây dựng, mở mang Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm trên bản đồ 1890 có diện tích 13 ha, đến năm 1969 chỉ còn 10,7 ha, và không thay đổi cho đến nay. Hồ được bao quanh bởi những phố chính ở trung tâm Hà Nội và có vị trí kết nối giữa khu phố cổ với khu “Phố Tây” do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ. Hiện nay Bờ Hồ đã được quy hoạch thành những tuyến phố đi bộ, có đường dạo chơi cho khách tham quan…
Hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại. Hồ này ngày xưa gọi là hồ Lục Thủy, vì sắc nước bốn mùa đều xanh, còn tên gọi Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm, theo tục truyền thì có từ đời Lê Thái Tổ.
Người ta nói vua Lê Thái Tổ trước khi khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, được thần cho một thanh kiếm. Năm 1428 khi đã lấy lại hoàn toàn được đất nước, lên làm vua, đóng đô ở Thăng Long, một hôm nhà vua ngự thuyền chơi trong hồ, bỗng thấy một con rùa vàng nổi lên.
Nhà vua đang dùng thanh kiếm ở tay, với theo, con rùa ngẩng cao cổ đớp lấy thanh kiếm rồi lặn xuống đáy hồ. Nhà vua sai tát cạn hồ để tìm, rùa không thấy đâu mà kiếm cũng mất tích, nên cho rằng đó là thần đã cho kiếm để giết giặc, nay giặc yên rồi thần lại lấy kiếm đi. Bèn đổi tên hồ là Hoàn Kiếm, nghĩa là trả lại kiếm thần.
Hồ Gươm nằm ở vị trí đắc địa, là nơi kết nối nhiều khu phố cổ của Hà Nội như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gõ, Lương Văn Can, Lò Sũ… cùng các khu phố Tây như Bảo Khánh, Tràng Thi, Nhà Thờ, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.
Đến với hồ Gươm, không chỉ cảnh sắc nên thơ, không khí tấp nập, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Tháp Rùa ngay trung tâm hồ. Đền Ngọc Sơn ở phía Bắc hồ, cầu Thê Húc dẫn đến đền Ngọc Sơn, tháp Bút ở Đông Bắc hồ, đài Nghiên ở Đông Bắc hồ, tháp Hòa Phong ở bờ hướng Đông hồ, đền Bà Kiệu ở trên bờ hướng Đông Bắc hồ, Thủy Tạ ở mép hồ hướng Tây Bắc, đền thờ vua Lê ở bờ Tây hồ, Bưu điện Hà Nội ở đối diện tháp Rùa.