Từ xưa đến nay, mộ phần của đế vương gọi là lăng, mộ phần của các tướng thì gọi là trũng, mộ phần của thánh nhân gọi là lâm. Nhắc tới chữ “lâm” (林) thì lâm mộ lớn nhất thế giới có lẽ là Khổng Lâm ở Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc. “Thiên niên lễ nhạc quy Đông Lỗ, vạn cổ y quán bái Tố Vương”, sở dĩ Khúc Phụ nổi tiếng thế giới là vì có liên quan mật thiết tới tên của Khổng Tử. Rất nhiều người không biết rằng, Khổng Lâm là khu mộ gia tộc có quy mô lớn nhất, được bảo tồn hoàn chỉnh nhất và lâu đời nhất của Trung Quốc. Tính đến nay đã tồn tại hơn 2400 năm, diện tích lên tới hơn 3000 mẫu đất, cũng là độc nhất vô nhị trên toàn thế giới.
Khổng Tử là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất thế giới, là người sáng lập nên phái Nho học của Trung Quốc. Trong dòng chảy lịch sử dài hơn 2000 năm, văn hóa Nho giáo dần dần trở thành văn hóa chính thống của Trung Quốc, đồng thời cũng ảnh hưởng tới các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, trở thành nền tảng văn hóa của cả phương Đông. Theo lịch sử ghi chép, Khổng Lâm mai táng các thế hệ ông cha, con cháu của nhà họ Khổng từ Khổng Tử tới đời thứ 76 là Diên Thánh Công Khổng Lệnh Di qua đời năm 1919, là 10 vạn con cháu hậu thế trực hệ được ghi chép trong gia phả của Khổng Gia.
Khổng Lâm là khu mộ gia tộc lớn nhất thế giới, chỉ tính riêng chu vi tường bao xung quanh đã lên tới 5591m, bên trong có hơn 10 vạn ngôi mộ, 4003 tấm bia mộ, 116 gian kiến trúc cổ, 85 tượng đá, số bia đá khắc được bảo tồn qua các thời đại lên tới hơn 6000 tấm, là một trong 3 Bia Lâm (tấm bia đá khắc trong khu mộ) lớn nhất Trung Quốc. Những bia mộ ở đây đều là những văn vật bia khắc quý báu, có giá trị lịch sử quan trọng. Cây cối trong Khổng Lâm đều cao chót vót, tươi tốt sum suê. Từ Nhị Môn tới Thánh Lâm Môn được xây dựng vào giữa thời Minh và được tu sửa vào những năm Khang Hy thời Thanh. Kết cấu phòng gồm 4 cột trụ, 3 gian, 3 lầu và đỉnh được làm từ ngói xanh (lục ngõa), trên nóc của gian giữa có khắc 3 chữ “Chí Thánh Lâm”. Gian trước có một đôi sư tử đá được điêu khắc vào năm Minh Sùng Trinh thứ 7 (năm 1634).
Tới Khổng Lâm, đương nhiên đầu tiên sẽ phải tới mộ Khổng Tử. Mộ Khổng Tử nằm chính giữa Khổng Lâm. Năm 479 trước công nguyên, các đệ tử của Khổng Tử đưa ông tới mai táng trên Lỗ Thành Bắc Tứ Thủy, khi ấy vẫn chỉ là “mộ chứ không phải phần”. Từ thời Đông Hán trải qua các triều đại về sau đã tiến hành 13 lần trùng tu, xây dựng thêm và mở rộng. Cho đến ngày nay, nếu đi tham quan Khổng Lâm thì mộ của Khổng Tử vẫn nằm ở vị trí cao nhất, trung tâm và hiển hách nhất. So với sự hào hoa, tranh giành và náo nhiệt phía sau ông thì nơi an nghỉ của ông lại có vẻ hơi đơn sơ. Con cháu đời sau của Khổng Gia, dựa theo xếp hạng trong gia phả sẽ được mai táng từ trong ra ngoài. Được biết, khi Khang Hy tới tế lễ ở Khúc Phụ còn hành lễ 1 quỳ 3 khấu ở nơi đây. Đứng trước Khổng Tử, tất cả mọi người đều là học sinh, rất nhiều du khách tới Khổng Lâm cũng đều cung kính cúi người trước “Vạn thế sư biểu” Khổng Tử.
Hơn 2000 năm nay, Khổng Lâm cũng được bao trùm bởi nhiều bí ẩn, thế nên càng trở nên thần bí hơn, trong đó điều được nhắc tới nhiều nhất chính là truyền thuyết Khổng Lâm “ô nha bất tê, xà loại viễn tị” (Tạm dịch: Quạ đen không dám ở, rắn rết tránh xa). Hàng trăm ngàn năm nay, đây vẫn là một bí ẩn, thậm chí còn có truyền thuyết nói rằng, Khổng Tử được ông trời phù hộ nên mới được như vậy. Theo như phát hiện của các nhà khảo cổ ngày nay, khi hậu thế trùng tu, xây dựng lại đã dùng rất nhiều lưu huỳnh và chu sa. Vì trong lưu huỳnh có mùi kích thích, là mùi mà rắn rết rất sợ, vì thế ở đây gần như không có rắn rết. Xung quanh Khổng Lâm đều trồng rất nhiều cây bách, loại cây này cũng có mùi khiến quạ đen phản cảm, vì thế quạ đen cũng không sinh sống ở Khổng Lâm.
Khổng Tử vốn không có ý định làm mộ phần to lớn, ông có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng ngôi mộ đơn sơ trước kia của ông bây giờ lại rộng lớn đến vậy. Ngày nay, hậu thế Khổng Gia vẫn có thể thông qua phương thức nộp phí để an táng tại đây. Tuy nhiên, có một số người họ Khổng không thể an nghỉ tại đây, vì gia tộc họ Khổng có quy tắc rõ ràng: Những ai chết yểu, nữ tử xuất giá, làm việc gian dối, phẩm hạnh không đoan chính, trộm cắp, sau khi chết đều không được mai táng trong khu mộ của gia tộc. Đương nhiên, hơn 10 vạn ngôi mộ không có nghĩa là mỗi ngôi mộ chỉ mai táng 1 người, cũng có rất nhiều cặp vợ chồng được mai táng chung một mộ, được biết cả Khổng Lâm có hơn 10 vạn người mang họ Khổng được mai táng ở đây.
Còn về nơi ở của Khổng Gia tại Khúc Phụ, Sơn Đông cũng được phong sắc theo từng thời đại, được mở rộng thành Khổng Phủ như ngày nay. Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ ở Khúc Phụ được gọi là Tam Khổng, là nơi mà những ai tới thăm Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc tưởng niệm các bị thánh triết bắt buộc phải tới.