Hiện tại, bất động sản đang trở thành một ngành rất phổ biến vì tạo ra rất nhiều những "ông chủ" có khối tài sản lớn. Tại Việt Nam, các thành phần khác nhau trong xã hội đang ngày càng quan tâm đến ngành bất động sản. Ngoài ra, một lượng lớn các bạn thí sinh quan tâm đến ngành này trước mỗi kỳ tuyển sinh. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về ngành này:
Ngành Bất động sản là gì?
Bất động sản là một thuật ngữ pháp luật, ở một số nước ngoài còn được gọi là nhà đất hoặc địa ốc, nó bao gồm đất đai và tất cả những gì dính liền không thể tách rời với mảnh đất đó (chẳng hạn như nhà cửa, ga ra, dầu khí, mỏ khoáng chất ở dưới hoặc kiến trúc ở trên mảnh đất đó. Còn những thứ có thể tách rời khỏi mảnh đất đó (chẳng hạn như nhà di động, túp lều, nhà tạm…) thì không phải là bất động sản.
Kinh doanh bất động sản có thể hiểu đơn giản là việc đầu tư một nguồn vốn nhằm thực hiện các hoạt động mua, xây dựng, cho thuê, chuyển nhượng, thực hiện môi giới, dịch vụ tư vấn, dịch vụ sàn giao dịch hoặc quản lý bất động sản nhằm vào mục đích sinh lời, tạo ra lợi nhuận.
Ngành Bất động sản, còn được gọi là Kinh doanh bất động sản, là một ngành học thuộc nhóm ngành kinh doanh. Ngành này sẽ cung cấp các kiến thức nền tảng về tài chính, kinh tế, luật, quy hoạch, kinh doanh và các kiến thức chuyên môn về kinh doanh, đầu tư, môi giới và quản lý bất động sản.
Ngành bất động sản sẽ còn tiếp tục hốt bạc trong tương lai (Ảnh minh họa)
Học ngành Bất động sản ở đâu?
Ở nước ta hiện nay chưa có nhiều trường đại học đào tạo ngành Bất động sản, chỉ có các trường như: Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, Đại học Tài chính - Marketing và Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).
Là ngành học đòi hỏi lực lượng lao động năng động, có khả năng đàm phán, giao tiếp tốt,... các trường đào tạo lĩnh vực này đều chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng thu thập thông tin và phân tích thị trường bất động sản, triển khai các dịch vụ sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản, thực hiện thẩm định giá và quản lý bất động sản,… Bên cạnh đó là các kiến thức nền tảng quan trọng về kinh tế, tài chính, luật, kinh doanh, quy hoạch và kiến thức chuyên môn về môi giới, kinh doanh, đầu tư, quản lý bất động sản.
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Bất động sản sau khi tốt nghiệp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thì hiện nay nguồn nhân lực bất động sản nước ta còn thiếu về số lượng và yếu kém về chuyên môn. Mặc dù chỉ có 5% người hành nghề bất động sản đạt được thành công nhưng vẫn có rất nhiều người lựa chọn theo nghề môi giới bất động sản bởi cơ hội việc làm cũng như thu nhập cực “khủng”, có thể kiếm đến vài tỷ đồng một năm. Đây vừa là cơ hội vừa là cơ hội cho các bạn đã, đang và sẽ theo ngành Bất động sản bởi nếu biết trau dồi kiến thức và kỹ năng cũng như nắm bắt được cơ hội, bạn có thể có cho mình một công việc “nhàn hạ, lương khủng”.
(Ảnh minh họa)
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Bất động sản có thể làm tại các phòng giao dịch, các công ty về Bất động sản hoặc có thể tự mình làm trung gian môi giới bất động sản. Một số vị trí công việc cụ thể có thể kể đến như:
– Nhân viên kinh doanh, nhân viên môi giới, nhân viên phòng dự án – kế hoạch, nhân viên phòng giao dịch bất động sản, nhân viên phòng dịch vụ khách hàng…
– Quản lý và huấn luyện nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, hoặc làm quản lý văn phòng giao dịch bất động sản.
– Làm trợ lý giám đốc dự án.
– Quản lý chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi.
– Chuyên viên tư vấn đầu tư bất động sản, chuyên viên quy hoạch và phát triển kinh doanh, chuyên viên thẩm định giá trị bất động sản.
– Nhà phát triển và quản lý bất động sản.
– Nhà đầu tư bất động sản.
– Làm giảng viên giảng dạy về lĩnh vực bất động sản.
Một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà sinh viên ngành này có thể làm việc:
– Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực bất động sản và định giá đất đai như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Các Sở và Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Quản lý đất đai, Chi cục Quản lý đất đai các tỉnh.
– Các viện nghiên cứu về đất đai và bất động sản.
– Các trường đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo ngành Bất động sản.
– Các sàn giao dịch bất động sản, các công ty, trung tâm môi giới và định giá bất động sản, các công ty, trung tâm khai thác và kinh doanh bất động sản, các dự án liên quan đến bất động sản; và các công ty, dự án trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.