TIN TỨC » Kiến thức

Lâm Đại Ngọc trong 'Hồng Lâu Mộng' mắc bệnh gì? Bệnh này không nghiêm trọng nhưng không thể chữa khỏi, hiện nay rất nhiều người cũng mắc phải

Thứ ba, 19/09/2023 22:14

Nhắc đến hình tượng mỹ nhân ốm yếu trong các tác phẩm kinh điển Trung Quốc, Lâm Đại Ngọc chắc chắn là người dẫn đầu. Trong "Hồng Lâu Mộng", Lâm Đại Ngọc là nhân vật “bi kịch” điển hình.

Trong nguyên tác "Hồng Lâu Mộng", Lâm Đại Ngọc mất mẹ từ khi còn rất nhỏ, sau đó là cha cô cũng qua đời vì sức khỏe yếu, sau này gia đình sa sút, cô phải nương nhờ vào gia đình họ Giả.

Lâm Đại Ngọc người vốn đã suy yếu về thể chất, ngày càng trở nên chán nản khi sống trong gia đình họ Giả, sự khó chịu về thể chất và lý do tâm lý khiến cô thường xuyên ho ra máu, cuối cùng cô qua đời dưới đòn nặng nề của cuộc tình bị chia cắt với Giả Bảo Ngọc.

Có thể nói, nhiều người đọc xong "Hồng Lâu Mộng" chỉ biết nhân vật Lâm Đại Ngọc là một thiếu nữ bệnh tật, nhưng ít người biết cô mắc bệnh gì. Thực ra bệnh này không nghiêm trọng nhưng cũng không thể chữa khỏi, hiện nay rất nhiều người trong chúng ta mắc phải.

1. Bệnh di truyền

Nếu nói về căn bệnh của Lâm Đại Ngọc, trước tiên phải nhắc đến gia đình kém may mắn của cô. Đầu tiên, bố mẹ của Lâm Đại Ngọc là Lâm Như Hải và Giả Mẫn. Mẹ cô là con út của Giả Mẫu, em ruột Giả Xá và Giả Chính.

Theo dân gian, do con út trong nhà thường sinh muộn, bỏ lỡ độ tuổi tốt nhất để cha mẹ sinh con nên em bé thường xuyên bị thiếu hụt dinh dưỡng và sức khỏe không được tốt ngay từ khi sinh ra. Rõ ràng đây chính là trường hợp của Giả Mẫn, khi còn sống sức khỏe của cô rất kém và thường xuyên phải uống thuốc. Sau đó mẹ của Lâm Đại Ngọc cũng qua đời khi cô mới 5 tuổi. Cha của Lâm Đại Ngọc là một học giả tận tâm, nhưng cơ thể và xương cốt của ông đã suy yếu, ông thường xuyên lâm bệnh và sau đó qua đời khi bước qua tuổi trung niên.

Dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ, sức khỏe của Lâm Đại Ngọc đương nhiên không khá hơn là bao. Vì thể lực yếu, cô phải dựa vào thuốc để tồn tại.

Từ đó có thể thấy, vấn đề ho và thở khò khè của Lâm Đại Ngọc phần lớn là do khiếm khuyết bẩm sinh. Trong nguyên tác, Lâm Đại Ngọc là một người ốm yếu, đi được ba bước thì thở hổn hển, trong tay luôn cầm một chiếc khăn tay, thỉnh thoảng lại che miệng và ho. Theo y học cổ truyền, ho có nghĩa là phổi không tốt, thở khò khè có nghĩa là thận yếu. Tuy nhiên, triệu chứng này không có nghĩa là có một loại bệnh nào đó, mà chỉ đơn giản là thân thể suy nhược, vì vậy Lâm Đại Ngọc không thể làm được việc nặng, cô luôn phải dùng một số loại thuốc bổ để nuôi dưỡng và duy trì cơ thể. Vì vậy, căn bệnh này quả thực không nghiêm trọng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn và chỉ có thể kiểm soát bằng cách cẩn thận hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

2. Bệnh ở tâm

Trong nguyên tác, lúc Lâm Đại Ngọc còn nhỏ, khi đó có nhà sư đi ngang qua Lâm phủ, không hiểu sao lại gặp và có cảm tình với cô, muốn cùng vợ chồng của Lâm gia thương lượng để con gái đi tu cùng ông ấy.

Gia đình họ Lâm đương nhiên không đồng ý, vì vậy nhà sư đã xuống nước và nói với họ rằng nếu Lâm Đại Ngọc muốn sống lâu, cô không được ra khỏi nhà hay gặp ai ngoại trừ cha mẹ mình.

Thật không may, nếu cha mẹ Lâm Đại Ngọc không qua đời vì bệnh tật, có lẽ Lâm Đại Ngọc đã có cơ hội sống lâu khi duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, sau cái chết của mẹ cô, tình hình tài chính của gia đình họ Lâm sa sút, và Lâm Như Hải phải đưa con gái đến dinh thự của gia đình họ Giả ở trước khi ông nhắm mắt. Việc đến ở Giả phủ cũng chính là quãng thời gian bắt đầu bi kịch khiến Lâm Đại Ngọc qua đời sớm.

Tạo hình nhân vật Lâm Đại Ngọc của Trần Hiểu Húc trong phim "Hồng Lâu Mộng" phiên bản năm 1987.

Lâm Đại Ngọc lúc đó mới bảy tuổi, đối mặt với một đại gia tộc mới toanh, chắc chắn cô bé rất sợ hãi và bất an. Mặc dù những người trong gia đình họ Giả đối xử tốt với Lâm Đại Ngọc. Giả Mẫu - bà ngoại của Lâm Đại Ngọc cũng chính là người đứng đầu Giả phủ đã thuê nhiều lang y để chữa trị cho cô sau khi nhìn thấy thể chất yếu đuối của cháu ngoại. Nhưng dù sao đây cũng không phải là nhà của cô, Lâm Đại Ngọc vẫn sống trong sự lạc lõng và lo âu.

Loại bất lực này luôn nhắc nhở Lâm Đại Ngọc rằng cô đang dựa dẫm vào người khác, và cô cần phải cực kỳ cẩn thận trong mọi lúc, cả lời ăn tiếng nói hay việc làm. Sự tra tấn tâm lý cộng với sự khó chịu về tư tưởng cùng thể lực yếu đương nhiên khiến tâm trạng của Lâm Đại Ngọc ngày càng tồi tệ. Thậm chí cô còn có một cảm giác bất lực, bế tắc và trầm cảm.

Và khi đọc nguyên tác, hình ảnh của Lâm Đại Ngọc chắc chắn sẽ mang đến cho người ta cảm giác chán nản, u buồn.

Bây giờ nghĩ lại lời của lão hòa thượng, nhiều người mới biết nguyên nhân. Trước hết, mục đích không gặp người lạ là để Lâm Đại Ngọc không bị thế giới bên ngoài kích thích và không bị các ngoại lực quấy rầy, để cô có thể duy trì tâm trạng ổn định, không tổn thương tinh thần.

Thứ hai, ngăn Lâm Đại Ngọc khóc là để cô ấy tránh xa nỗi buồn. Bạn phải biết rằng “buồn làm tổn thương phổi”, nếu cô ấy luôn bị bao phủ trong cảm xúc buồn bã, chắc chắn cô ấy sẽ bị khó chịu ở phổi. Lâm Đại Ngọc sau đó ho thường xuyên và thậm chí ho ra máu, điều này rất trùng hợp.

3. Ngày nay có rất nhiều người mắc bệnh

Vì vậy, nếu nói về căn bệnh mà Lâm Đại Ngọc mắc phải thì đó là bệnh trầm cảm, đây là bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Nếu so sánh các triệu chứng trầm cảm với bệnh của Lâm Đại Ngọc, bạn sẽ thấy rằng thực sự có những triệu chứng điển hình. Ví dụ, những người trầm cảm thường bi quan, lười biếng và không thích giao lưu, tránh nơi đông người sôi nổi.

Lâm Đại Ngọc trong nguyên tác sống thu mình, không thích nói chuyện hay tiếp xúc người lạ. Rõ ràng cô là người thích và yêu Giả Bảo Ngọc nhưng lại luôn e ngại, xa lánh tình cảm của đối phương, sống trong nỗi dằn vặt đấu tranh của nội tâm.

Một ví dụ khác, những người trầm cảm thường hoạt động cảm xúc nhiều nhất và đau đớn về đêm nên thường bị mất ngủ. Triệu chứng mất ngủ của Lâm Đại Ngọc được mô tả rõ ràng. Trong nguyên tác nói rằng Lâm Đại Ngọc “một năm chỉ có thể ngủ mười ngày ngon giấc". Từ đó có thể thấy Lâm Đại Ngọc đang mắc chứng trầm cảm.

Cơ thể vốn đã yếu ớt cộng với ảnh hưởng của trầm cảm khiến thể trạng của Lâm Đại Ngọc ngày càng yếu đi. Cuối cùng cô giống như một ngọn đèn dầu đã gần cạn kiệt nhiên liệu, cú sốc khi người yêu kết hôn đã "giáng đòn mạnh" vào tâm lý khiến cho sự thoi thóp của ngọn đèn le lói như gặp cơn gió mạnh làm phụt tắt. Cái kết của Lâm Đại Ngọc thật đáng tiếc, nỗi trầm cảm của cô cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Trong những năm gần đây, khi nhịp sống ngày càng tăng nhanh, giới trẻ ngày càng phải chịu nhiều áp lực và rơi vào trầm cảm. Đây đã trở thành một căn bệnh tâm thần phổ biến ngày nay.

Có thể nói, ai sống dưới áp lực nặng nề đều có xu hướng bị trầm cảm. Nhưng thời hiện đại đã khác xa thời cổ đại. Ngày xưa Lâm Đại Ngọc có thể chết vì trầm cảm, nhưng ngày nay con người có thể sử dụng nhiều phương pháp để ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này. Nếu Lâm Đại Ngọc sinh ra ở thời hiện đại, có lẽ cô đã không chết ở tuổi trẻ như vậy.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới