TIN TỨC » Kiến thức

Làm thế nào để biết con đang bị bắt nạt và đây là cách ngăn chặn

Thứ năm, 21/10/2021 20:09

Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy con đang bị bắt nạt, cũng như những cách bạn có thể giúp trẻ tránh điều đó.

Khó ngủ hoặc gặp ác mộng

Nếu nhận thấy con bạn đột nhiên khó ngủ hoặc thường xuyên gặp ác mộng, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Nghiên cứu cho thấy, việc bị bắt nạt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ em.

Trẻ khó ngủ là một trong những dấu hiệu phụ huynh cần để ý vì rất có thể con đang bị bắt nạt.

Thay đổi tình cảm đối với bố mẹ

Bị bắt nạt có thể gây ra các vấn đề về tinh thần cho trẻ. Cụ thể, trẻ có xu hướng thay đổi trong cách hành xử với bố mẹ, cố tình làm nên những điều sai trái, đi ngược với dạy dỗ của người lớn. Điều này bắt nguồn từ việc trẻ so sánh những kẻ bắt nạt có thể làm vậy, tại sao chúng lại không thể.

Yêu cầu tiền hoặc những thứ khác một cách bất thường

Những kẻ trấn áp có thể gây áp lực lên nạn nhân, buộc các em phải cung cấp tiền hoặc các món đồ cho chúng. Để không bị hành hung, trẻ thường phải hỏi xin tiền từ bố mẹ, vòi vĩnh mua sắm hoặc nhận quà nhiều hơn mức cần thiết thông thường.

Lảng tránh bạn bè và không thích kết nối xã hội

Nếu con thường chọn ở nhà thay vì đi gặp bạn bè, đó có thể là dấu hiệu của nỗi sợ hãi đang lớn dần. Hành động này có thể được giải thích bởi tâm lý muốn tránh những môi trường có khả năng cao gặp phải những kẻ bắt nạt. Trẻ nhỏ không thể tự ý bỏ học và không đến trường vì sợ bố mẹ biết được, do đó, chúng sẽ chọn cách ở nhà nhiều và lâu hơn để tránh né những đối tượng đe dọa mình ở trường học.

Ít trò chuyện với người thân

19% học sinh bị bắt nạt cho biết họ cảm thấy quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng dù họ không có lỗi gì. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ càng thu mình thì bố mẹ càng không biết điều gì đang xảy ra với con cái.

Giảm tự trọng

Trẻ con chưa suy nghĩ thấu đáo, khi bị bắt nạt vô cớ, chúng có xu hướng cho rằng bản thân mình làm sai nên chịu cách cư xử thô bạo của bạn bè. Kết quả là trẻ hoài nghi giá trị bản thân, trở nên tự ti, thu mình với mọi người. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ thường đi cúi đầu, giọng nói yếu ớt, lảng tránh giao tiếp nếu không được nhắc tên.

Đồ đạc bị mất hoặc hư hỏng

Qua khảo sát cho thấy khoảng 29% trẻ bị bắt nạt có tổn thương về thể chất. Phụ huynh cần lưu ý đến các đồ vật của con như mất tư trang, hoặc tình trạng bị phá hoại ở bất kỳ mức độ nào, thường thấy qua sách vở, đồ dùng, quần áo hoặc phụ kiện,... đề có thể là dấu hiệu của việc bị trấn lột hoặc tấn công bởi người khác.

Những tổn thương không thể giải thích được

Khi thấy con bạn đột nhiên bị thương hoặc bầm tím, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang bị tấn công. Nếu thấy con không thể đưa ra lý do chính đáng hoặc hợp lý cho những xây xát trên người, bố mẹ hoàn toàn có cơ sở để lo lắng.

Cách ngăn chặn bắt nạt:

Theo StopBullying, có 4 cách bạn có thể giảm nguy cơ con mình bị bắt nạt:

- Giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu thế nào là bắt nạt. Bằng cách này, các con sẽ biết khi nào nên phản kháng hoặc báo lại với người lớn để giải quyết.

- Đảm bảo giao tiếp thường xuyên giữa bố mẹ và con cái. Như vậy, khi có bất kỳ vấn đề hay khuất mắc nào xảy ra, con trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ để nhận được sự trợ giúp.

- Khuyến khích con khám phá, thử nghiệm và rèn luyện kỹ năng và sở thích riêng của mình. Điều này sẽ giúp trẻ nhỏ phát triển sự tự tin và tự trọng, nhờ đó đẩy lùi nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ bắt nạt ở trường lớp.

- Là một tấm gương tốt để con cái noi theo. Khi bố mẹ là hình mẫu tốt về cách cư xử đúng mực, con trẻ sẽ học hỏi sự tử tế, tôn trọng người khác và hiểu rằng những hành vi bất công là không thể chấp nhận được.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới