TIN TỨC » Kiến thức

Lau dọn bàn thờ cuối năm đúng cách để gia tiên phù hộ, năm mới sung túc, bình an, gia đình thuận hòa

Thứ ba, 11/01/2022 10:28

Các bước lau dọn bàn thờ cuối năm là vô cùng quan trọng, gia chủ tuyệt đối cần phải làm đúng, đủ để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh phạm vào những điều tối kỵ ảnh hưởng tới công danh, sự nghiệp, sức khỏe và gia đạo.

Lau dọn bàn thờ vào ngày nào?

Tết đến xuân về điều mà nhiều gia đình quan tâm nhất chính là làm sao để nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà được sạch sẽ, ngăn nắp. Tuy nhiên lau bàn thờ vào ngày nào? trước hay sau ngày 23 vẫn là niềm trăn trở của rất nhiều người.

Theo quan điểm của người Việt, thời điểm thích hợp nhất để lau bàn thờ chính là sau ngày 23 tháng chạp, đây là ngày mà ông Công, ông Táo – những người chịu trách nhiệm cai quản bếp núc, đất đai của gia đình về trời bẩm báo những việc xảy ra trong một năm vì thế mà không có mặt trong nhà. Việc lau dọn bàn thờ những ngày này cũng không động chạm ảnh hưởng tới việc thờ cúng thần linh và ông bà tổ tiên.

Ngày 23 và ngày 25 tháng Chạp được coi là 2 ngày đẹp nhất trong năm. Thời điểm lau dọn bàn thờ lý tưởng nhất là 6h – 11h55, 13h – 17h55 và nên tránh khoảng thời gian 12h – 13h và sau 18h.

Tuy nhiên bàn thờ là nơi linh thiêng, hội tụ đầy đủ những năng lượng tích cực, là sợi dây kết nối giữa người còn sống và người đã khuất để thể hiện lòng thành kính, biết ơn, cầu được ông bà tổ tiên, thần linh che chở tạo phúc đức.

Do đó gia chủ có thể dọn dẹp vào bất cứ ngày lành nào dịp cuối năm chứ không nhất thiết phải sau ngày 23. Các ngày 13, 15, 20, 21, 25, 27 tháng Chạp (Âm lịch) cũng là những ngày đẹp để tiến hành công việc này.

Cách lau dọn bàn thờ cuối năm

Chuẩn bị dụng cụ và lễ vật

Để tiến hành lau dọn bàn thờ ngày Tết cho chu đáo và tươm tất, tỏ được lòng thành của gia chủ thì bạn cần chuẩn bị những dụng cụ sau:

• Chổi, khăn lau bàn thờ chuyên dùng.

• Nước bao sái bàn thờ (là nước làm từ 5 thứ thảo dược quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn) hoặc rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng.

• Một chiếc bàn con, bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị (nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn).

• Một chiếc thìa nhỏ.

• Một mâm lễ bao gồm: 1 đĩa xôi, 1 miếng thịt luộc, 1 đĩa hoa trái theo mùa, 1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ, 3 chén rượu nhỏ, 1 chén nước sôi để nguội, 3 lễ tiền vàng, 2 lọ hoa tươi.

Hướng dẫn cách dọn dẹp bàn thờ cuối năm

Bước 1: Trước khi tiến hành dọn dẹp bàn thờ cuối năm, bạn nhớ tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, bạn chuẩn bị lễ cúng đầy đủ, bày lên ban thờ rồi thắp hương và đọc bài khấn bao sái bát hương. Đợi cho hương tàn thì mới bắt đầu thực hiện lau dọn ban thờ.

Bước 2: Bạn hạ các đồ thờ cần lau dọn xuống bàn con đã trải giấy đỏ. Riêng bát hương bạn cần lưu ý tuyệt đối không nên di chuyển. Bởi thông thường, khi đặt bát hương, các gia đình đều đã xem hướng để đặt sao cho hợp phong thủy nhất, giúp gia chủ "hút" nhiều may mắn, tài lộc. Nếu bát hương bị xê dịch có thể trúng phải hướng xấu khiến cho gia chủ gặp phải những điều xui xẻo, không may.

Lưu ý: Nếu ban thờ nhà bạn có bài vị gia tiên và bài vị các thần đặt chung thì phải để ra hai chỗ khác nhau.

Bước 3: Thấm ẩm khăn sạch vào nước ngũ vị hương hoặc rượu gừng để lau toàn bộ đồ thờ cúng.

Bước 4: Sau khi lau bằng khăn ẩm hết toàn bộ bàn thờ, bạn dùng một chiếc khăn khô, sạch khác để lau khô toàn bộ đồ thờ cúng.

Bước 5: Sau khi lau bài vị xong, bạn tiến hành rút tỉa chân nhang và dọn bát hương. Trước tiên bạn hãy rửa sạch hai tay bằng nước ngũ vị hoặc rượu gừng, sau đó, dùng thìa nhỏ và xúc từng thìa tro trong bát nhang đổ ra ngoài. Tro trong bát hương có thể được đem đổ ra sông, suối, ao hồ và sau đó thay bằng tro mới hoặc có những gia đình lọc lại tro để dùng tiếp.

Bước 6: Sau khi dọn tro xong, bạn dùng khăn ẩm thấm nước ngũ vị lau sạch bên ngoài bát hương.

Lưu ý: Trong suốt quá trình dọn dẹp bát hương, bạn không được để bát hương xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Khi tỉa chân hương và lau rửa, bạn cần lấy một tay giữ bát hương, một tay dọn dẹp và rút chân nhang. Nếu trạch chủ là nam thì nên giữ lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, không được giữ lại 47 chân nhang vì đó là số tử thần. Còn nếu trạch chủ là nữ hoặc gia đình mẹ góa con côi… thì nên giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang, không được giữ lại 49 chân nhang.

Bước 7: Cuối cùng, bạn đặt lại đồ thờ cúng đúng vị trí, đồng thời thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), quét dọn ban thờ rồi khấn xin thỉnh các ngài về và báo cáo đã xong việc lau dọn ban thờ.

Bài khấn lau dọn bàn thờ đúng chuẩn

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:………………

Ngụ tại:………………….

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ …. tại…… (địa chỉ nhà ở, quê).

Hôm nay là ngày … tháng … năm … ,con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ … chấp thuận.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.

Hoàng Khuông (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới