Trong mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên chính là nơi trang nghiêm, thiêng liêng nhất nên luôn phải giữ sạch sẽ, gọn gàng, đặc biệt là trong những dịp quan trọng như Tết Nguyên Đán. Nơi hương khói, thờ cúng sạch đẹp vừa thể hiện tấm lòng của con cháu đối với ông bà tổ tiên, vừa để cầu mong gia tiên phù hộ, năm mới đón nhận nhiều may mắn, tài lộc.
Vào dịp cuối năm, các gia đình đều tiến hành công việc lau dọn bàn thờ để đón Tết. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn trước câu hỏi: Lau dọn bàn thờ cuối năm trước hay sau ngày cúng ông Công ông Táo là tốt nhất?
Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau cúng ông Công ông Táo?
Nhiều người Việt quan niệm rằng, vào những ngày ông Táo về chầu trời (từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết) thì vị trí trên bàn thờ sẽ trống nên việc lau dọn lúc này là thích hợp. Lúc đó, ông Táo không còn ngự trên bàn thờ nên khi lau dọn sẽ không xúc phạm đến nơi Ngài ở mà xảy ra những điều không tốt cho gia chủ.
Theo đó, nếu buổi sáng hoàn thành nghi lễ cúng ngày 23 tháng Chạp để tiễn các ông Công, ông Táo lên chầu trời thì có thể tiến hành bao sái bàn thờ ngay trong buổi sáng hoặc buổi chiều. Thời gian thực hiện tốt nhất là từ 8h đến 11h55 hoặc 13h đến 17h55, tránh khoảng thời gian 12-13 giờ. Còn nếu gia chủ cúng ông Công, ông Táo vào chiều 23 tháng Chạp thì nên bao sái, dọn dẹp bàn thờ vào hôm sau hoặc một ngày lành khác, bởi công việc này phải làm vào ban ngày, không nên làm vào buổi tối.
Việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện xong xuôi trước ngày 30 tháng Chạp, bởi ngày đó, ông Công, ông Táo sẽ quay trở lại trần gian.
Lau dọn bàn thờ cuối năm khi nào tốt nhất: Trước hay sau lễ cúng ông Công ông Táo?
Tuy nhiên, theo góc độ của các nhà phong thủy học thì quan niệm trên chưa chính xác. Bàn thờ là nơi linh thiêng, tập trung nhiều năng lượng nên lau dọn thường xuyên để bàn thờ sạch sẽ, trang trọng. Việc làm này có thể tiến hành bất cứ lúc nào và thời gian nào trong năm không cần thiết đúng ngày cúng ông Táo, chỉ cần gia chủ có lòng thành kính.
Cách lau dọn bàn thờ chuẩn nhất
Chuẩn bị đồ dùng lau dọn
Đồ dùng cần chuẩn bị khi tiến hành lau dọn là: Chổi và khăn lau. Nước dùng để lau dọn là nước từ 5 loại thảo dược: Đinh hương, hồi, quế, tô mộc, bạch đàn hoặc rượu trắng để tẩy ô uế và làm sạch làm thờ tổ tiên. Những loại nước này phải được đun nóng trước, tuyệt đối không dùng nước lạnh lau dọn.
Tiếp theo chuẩn bị một cái bàn đã trải khăn sạch sẽ để bát hương, bài vị và các thần linh xuống. Nên để riêng lẻ tránh nhầm lẫn và nhớ lau bụi sạch sẽ trước khi để lại lên bàn thờ.
Xin phép trước khi dọn
Theo quan niệm và cách làm của người xưa thì trước khi lau dọn bàn thờ sẽ chuẩn bị một đĩa trái cây đặt lên bàn thờ. Sau đó, đi tắm gội sạch sẽ ăn mặc chỉnh tề và thắp 1 nén nhang xin phép hôm nay được lau dọn bàn thờ.
Khi khấn vái thì xin thần linh, tổ tiên tạm lánh sang một bên để con cháu tiến hành lau dọn. Trong quá trình lau dọn cần hết sức cẩn thận, chú ý, tỉ mỉ không làm rơi vỡ đồ dùng trên bàn thờ.
Lưu ý: Việc lau dọn chỉ nên tiến hành sau khi nén nhang đã tàn hết.
Văn khấn bao sái bàn thờ:
Con Nam Mô A Di Đà Phật! Con Nam Mô A Di Đà Phật! Con Nam Mô A Di Đà Phật!
Tín chủ tên là: ……………………...
Cư ngụ tại địa chỉ : .................................
Hôm nay ngày ... tháng ... năm ... xét thấy bản thân mình chưa đủ chu toàn nên để hương án bị bụi, tín chủ con xin thành tâm sám hối.
Tín chủ con xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó bàn thờ gì, thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), hôm nay chọn được ngày lành tháng tốt xin cho phép tín chủ con được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm và thanh tịnh nhất kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.
Mong các vị độ cho chúng con lau dọn được chỉn chu khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ,
Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.
(Xong vái 3 vái).
Trình tự lau dọn bàn thờ
Các nhà tâm linh học khuyên rằng chúng ta nên lau bàn thờ theo thứ tự từ trên cao xuống thấp. Khi lau thì dùng khăn mềm để lau tượng tránh bị tróc sơn hoặc bị xước. Đối với tượng làm bằng đồng thì không nên dùng rượu hoặc cồn để lau vì nó sẽ bị oxy hóa tượng và xỉn màu nhanh chóng.
Khi lau dọn hạn chế tối đa việc xê dịch bài vị hay bát hương vì sẽ làm đứt sợi dây liên kết, lòng thành không được chứng giám, mang lại xui xẻo cho gia chủ.
Lúc lau dọn nên dọn cả chân hương vì chân hương chỉ làm cho bàn thờ không gọn gàng. Sau khi đã lau dọn sạch sẽ thì tiến thành thay nước bình hoa và nước cúng. Nếu hoa đã héo thì cần thay luôn hoa mới và đặt tượng về vị trí ban đầu.
Sau khi hoàn tất tiến hành thắp 3 nén hương và mời thần linh quy tụ về.
(*)Thông tin trong bài mang tính tham khảo.