Một trong những loài đặc sản sống ở sông Hồng là vật vờ (hay vờ vờ). Đây là một loại côn trùng có tuổi đời ngắn nhất, thường chỉ kéo dài vài tiếng, cùng lắm là một tuần từ lúc còn là ấu trùng cho tới khi lột xác thành vật vờ trưởng thành.
Con vờ trắng muốt, thân hình mỏng manh, mềm oặt, có khả năng phát sáng trong đêm. Chúng làm tổ ở đáy sông, ở vùng nước sạch, không ô nhiễm. Những cánh vờ mỏng manh như chính vòng đời của chúng vậy. Khi mới ngoi lên khỏi mặt đất, còn khỏe, chúng cũng chỉ bay “lờ và lờ vờ”.
Con vật vờ là đặc sản sông Hồng thường chỉ xuất hiện một lần trong năm, từ khoảng tháng 2 - tháng 4 Âm lịch.
Người dân sống lâu năm ở đây chia sẻ, tổ của vật vờ ở dưới đất, tầm 4-5 giờ sáng vờ bắt đầu ra. Nó trồi lên, bay đi tìm chỗ đậu để lột xác. Lúc đấy nó rất yếu, chỉ bay là là mặt nước, mặt đất, chỉ việc lấy vợt để vợt.
Thời gian này, người dân ven sông sẽ đi hớt vật vờ để chế biến ra nhiều món ngon.
Để thu hoạch vật vờ, người dân phải canh thời tiết và con nước sao cho chuẩn. Dĩ nhiên, không phải khúc sông Hồng nào cũng có vật vờ.
Muốn vớt vờ được nhiều nhất người dân phải canh thời tiết và con nước sao cho chuẩn và phải đi từ 3-4 giờ sáng, đến những khúc gần ngã ba sông nhiều đất thịt là chỗ loài côn trùng này làm tổ, chúng chỉ ngoi lên mặt nước trong vài giờ để lột xác, đẻ trứng rồi chết. Xác của chúng theo dòng nước trôi đi, nếu đi muộn sẽ không có để vớt.
“Mỗi đợt tôi đi vớt được 50-60kg, lên đến bờ đã có người chờ sẵn, mua hết với giá 500.000 đồng/kg. Tôi bán một phần còn một phần giữ lại cấp đông để ăn và tiếp khách", người dân chia sẻ. Vì khan hiếm nên giá bán con này có khi đến cả triệu đồng/1kg.
Không như nhiều loài côn trùng khác chỉ được nướng hoặc chiên, vật vờ được người Hà Nội đem đi nấu đủ món, từ nộm, xào ngổ, rang với lá mắc mật, làm chả, nấu với cá ngạnh đến thả vào lẩu riêu cua,...
Vật vờ đem đi nấu canh thì ngọt nước, đem đi xào hay chiên thì giòn tan, béo ngậy. Những ai từng ăn rồi lại muốn ăn nữa, đến mùa mà không được thưởng thức thì lại cảm thấy thiếu thiếu, phải tìm mua cho bằng được.
Trước đây, vật vờ chỉ là món ăn dân dã của người dân làng chài, thế nhưng số lượng ngày càng khan hiếm giúp chúng trở thành của ngon vật lạ, được nhiều người săn lùng.