Sừng tê giác được sử dụng trong y học phương Đông truyền thống, nhưng ngày càng phổ biến hơn khi nó được dùng như một biểu tượng địa vị để thể hiện cho sự thành công và độ giàu có khó ai sánh bằng.
Do nhu cầu tăng lên từ khu vực Đông Nam Á - nơi sừng tê giác được trả giá rất cao, giá chợ đen của sừng tê giác lên tới khoảng 60.000 USD/kg, đắt hơn cả kim cương hay vàng. Chính vì thế, việc săn trộm tê giác để lấy sừng là một mối đe dọa lớn, đẩy số lượng các loài tê giác đến bờ tuyệt chủng.
Trong số năm loài tê giác còn sinh tồn trên Trái đất, tê giác Sumatra là loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, với số lượng cá thể chưa đến 50 con trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu của Worldwildlife, tê giác Sumatra (danh pháp khoa học: Dicerorhinus sumatrensis) là loài tê giác nhỏ nhất còn sống và là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng. Chúng cũng là loài sống sót cuối cùng trong cùng một nhóm với loài Tê giác lông mịn đã tuyệt chủng.
Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF) cho biết, cặp sừng của tê giác Sumatra có độ dài/kích thước chênh lệch nhau. Sừng trước lớn hơn và dài từ 25-79 cm. Sừng thứ hai nhỏ hơn, chỉ dài khoảng 10 cm. Về kích thước cơ thể, loài động vật này nặng từ 600 kg đến 1 tấn, cao khoảng 1,5 mét và dài đến 3 mét.
Tê giác Sumatra sống trong rừng nhiệt đới rậm rạp, cả vùng đất thấp và vùng cao. Loài này là loài ăn tạp và kiếm ăn cơ hội với chế độ ăn rất đa dạng, có thể bao gồm hơn 100 loài thực vật khác nhau.
Trong tự nhiên, tê giác Sumatra sống thọ từ 35 đến 40 năm. Trừ mùa sinh sản, những cư dân của rừng nhiệt đới này thường sống đơn độc, đặc biệt là con đực. Phạm vi sinh sống của con đực lên tới 5.000 ha, con cái là 1.000-1.500 ha.
Tê giác Sumatra từng lang thang xa đến tận chân đồi phía Đông dãy Himalaya ở Bhutan, Bangladesh, miền Đông Ấn Độ, đến Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, xuống phía nam của Malaysia.
Tuy nhiên, cả 9 quốc gia này đều phải tuyên bố loài tê giác Sumatra đã tuyệt chủng hoàn toàn. Ngày nay, tê giác Sumatra chỉ còn tồn tại duy nhất tại Indonesia, trên hòn đảo Sumatra của nước này.
Mối đe dọa chính đối với loài này bao gồm tác động của quần thể nhỏ, sự quấy nhiễu của con người và nạn săn trộm để lấy sừng. Mặc dù sừng tê giác có thể mọc lại tự nhiên, việc săn trộm vẫn diễn ra tàn bạo và quy mô lớn.
Cuối năm 2018, một dự án hợp tác do Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia dẫn đầu cùng các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã triển khai các biện pháp bảo tồn tê giác Sumatra. Khu bảo tồn tê giác Sumatra Way Kambas đã mở rộng và phát triển các trung tâm nhân giống nuôi nhốt mới tại Leuser và Kalimantan. Đến nay, năm con non đã được sinh ra và nuôi khỏe mạnh, mang lại hy vọng cho loài động vật này.
Nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ và nhân giống tê giác Sumatra đã mang lại những kết quả tích cực, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp hơn nữa để đảm bảo sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này.