TIN TỨC » Kiến thức

Lỗi chở hàng cồng kềnh trên xe máy bị phạt cao nhất bao nhiêu? Ngày Tết cần đặc biệt lưu ý

Thứ sáu, 24/01/2025 09:46

Vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh trên xe máy sẽ bị xử phạt thế nào?

Thế nào là chở hàng cồng kềnh?

Phương tiện chở hàng hóa vượt quá kích thước quy định dưới đây được xem là chở hàng cồng kềnh. Cụ thể:

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.

- Đối với xe thô sơ: Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 01 mét phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4 mét mỗi bên bánh xe.

Như vậy, hàng hóa được xếp trên xe không đúng với quy định trên được xem là chở hàng cồng kềnh và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa.

Lỗi chở hàng cồng kềnh trên xe máy bị phạt cao nhất bao nhiêu?

Theo Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

...

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

c) Dừng xe, đỗ xe trên cầu;

d) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy;

đ) Vượt bên phải trong trường hợp không được phép;

e) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe;

g) Điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;

h) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần;

...

Ảnh minh họa.

10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông;

b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 1; điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2; điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm đ khoản 4; điểm c, điểm d khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a, điểm b, điểm h, điểm k khoản 9 Điều này.

...

Theo đó, lỗi chở hàng cồng kềnh đối với xe máy từ năm 2025 có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Trường hợp xe máy chở hàng cồng kềnh gây tai nạn thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới