Là một người mê hoa hồng nên một mẹ đảm đã tự tạo một khu vườn trong nhà. Dù bận rộn nhưng mỗi ngày chị đều dành 30 phút để chăm sóc vườn hoa hồng của mình. Sau 3 năm, khi nhìn lại chị đã sở hữu hơn 200 giống hoa hồng khác nhau. Nhìn vườn hoa hồng đủ màu sắc của chị rất nhiều dân mạng ngưỡng mộ. Nhưng ít người biết rằng trong quá trình chăm sóc, nhiều lần hoa của chị cũng bị chết. Theo chính chủ chia sẻ thì số tiền cây chết tương đương với một vườn hồng cỡ lớn.
Từ những kinh nghiệm chăm sóc của bản thân, chị đã chia sẻ 9 điều cần biết với những ai mới chơi hoặc có ý định trồng, chăm sóc hoa hồng tại nhà.
Mẹ đảm chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa hồng.
Nội dung như sau:
- Thứ 1: Giống nói không quan trọng cũng không đúng. Bạn mua cây to cây nhỏ không quan trọng, quan trọng là bạn mua được cây khoẻ, được trồng trên giá thể tốt và nhà vườn đã chăm thiên về hữu cơ rồi, khi bạn mua về bạn chỉ việc thay chậu mà không lo phải tách giá thể nữa thì cây sẽ tốt. Cái này còn thuỳ thuộc vào cái tâm của người bán.
- Thứ 2: Chậu trồng cây tuỳ theo kích thước của cây mà chọn chậu to hay nhỏ. Quan trọng là phải thoát nước tốt, miền Bắc hay sử dụng chậu thống, xi măng tuy nặng nhưng miền Bắc khí hậu nóng nên sử dụng mấy chậu này thì mua nắng sẽ bớt nhiệt cho cây, miền Nam thì thích gọn nhẹ nên sử dụng chậu nhựa đối với chậu nhựa nên đục khoét thêm vài lỗ cho cây thoát nước tốt. Trước khi trồng nên rải một lớp sỏi hoặc 1 lớp sỉ than dưới đáy chậu.
- Thứ 3: Về giá thể mình thì mua giá thể có sẵn là đất trồng chuyên cho cây hồng "Đất trồng hoa hồng nhập khẩu từ Hà Lan" hoặc các bạn mua ở các nhà vườn chuyên dành cho cây hồng.
Hoặc các bạn có thể trộn theo công thức: giá thể mình tự trộn với công thức trộn 2 phân bò + 2 sơ dừa + 1 đất sạch + trichcoderma.
Nếu bạn ngâm được sơ dừa thì mua loại thường còn không xử lý được thì nên mua loại đã xử lý. Muốn thoát nước nhanh hơn nữa thì nên trộn 3 sơ + 1 phân bò khô + 1 đất sạch. Khi trộn giá thể có thể mua thêm phân NPK tan chậm của Đài Loan hay của Nhật, trộn thêm vào giá thể, một chậu cho chừng nửa bát cơm là được, trong thời gian 6 tháng đến 1 năm cây đủ dưỡng chất NPK. Thời gian 6 tháng hay một năm tuỳ thuộc vào tình trạng tưới của bạn.
- Thứ 4: Thay giá thể khi mua cây về thay chậu sang giá thể mới phải kiểm tra. Nếu cây mua về từ nhà vườn ở miền Bắc hoặc các nhà vườn nhập cây từ bắc vào để bán, cây đều trồng trong bầu đất thịt (đánh đất). Nếu chuyển sang chậu mới để nguyên giá thể cũ khi tưới nước thoát rất chậm và đất ngậm nước nhiều dẫn đến khó kiểm soát độ ẩm, dẫn tới cây dễ bị chết. Thông thường nếu để nguyên giá thể cũ mà tưới nhiều thường gặp trường hợp cây vàng lá, hặc đen thân và chết. Khi nhổ cây ra khỏi giá thế sẽ thấy hiện tượng rễ bị đen và không phát triển. Vì thế nên tách đất ở bầu cũ và chỉ để chừng vốc tay đất dính vào gốc trước khi chuyển sang bầu mới.
Sau khi thay giá thể hoặc sang chậu, phải để chỗ mát một tuần. Tưới nước trong sốt 1 tháng, không được bón bất kì phân gì vì thời gian này cây chưa ổn định rễ, tưới phân dẫn tới cây bị chột (không phát triển được vì sót phân, hư rễ, cũng có trường hợp bị chết cây do tưới phân hoặc bón phân quá nhiều sau một tuần thay giá thể). Sau một tháng tưới và bón phân từ từ. Thời gian từ tuần thứ 3 trở đi có thể phun bón lá, tỉ lệ phun nhẹ. Cẩn thận thì pha thuốc kích rễ và bón lá chung với nhau, phun cho cây (nhớ tỉ lệ ít hơn so với hướng dẫn).
Tốt nhất nên mua cây trong chậu đã được các nhà vườn xử lý xong, mua về bỏ bớt đất phía ngoài rồi thêm ít giá thể trồng cho an toàn nhất mà cây vẫn đẹp không bị mất sức. Sau khi thay chậu tưới rong biển hoặc kích rễ 7 ngày 1 lần.
Thành quả của chị sau thời gian chăm sóc.
- Thứ 5: Bón phân thì phải biết bón theo giai đoạn phát triển của cây: Giai đoạn trước khi cắt tỉa, bạn phải tưới phân hữu cơ liên tục và bón rải gốc một nửa muỗng cơm phân NPK tan chậm hạt xanh đỏ tím. Việc này bạn làm trước khi tỉa một tuần. Khi cắt tỉa xong bạn bón thúc bằng cách phun kích chồi và tưới phân ủ.
Giai đoạn bung đọt và trước khi đóng nụ, bạn bổ sung phân bằng cách bón tưới phân tương hoặc chuối. Thời điểm này rất cần dinh dưỡng để đọt không trở thành đọt điếc và cho đọt mập vươn xa. Nếu diệp lục lá không đều thì có nghĩa là thiếu vi lượng, phải bổ sung vi lượng và trung lượng cho cây. Giai đoạn đóng nụ, thời điểm cần cho hoa đúng form và đúng màu. Bạn phải tưới tăng cường dịch chuối để bổ sung kali cho cây. Lúc này phun và tưới kết hợp cũng được. Lúc này mình thường pha dịch chuối của mình loảng hơn ngày thường và tưới mỗi ngày. Khi tưới thì nên tưới ướt hết bầu. Khi cây ra hoa rồi thì bổ sung đạm để cây nuôi hoa để cho hoa bền hơn. Một “tip” cho người trồng cây. Khi cây ra hoa rồi thì để cây vào chỗ ít nắng nhất, hoa sẽ bền hơn để ngoài nắng rất nhiều.
- Thứ 6: Đối với ánh nắng cho cây. Về nguyên tắc cây càng nhiều nắng càng tốt. Nếu ban công nhà bạn ít nắng, bạn phải biết lựa chọn cây nào ít ưa nắng hơn để trồng. Bạn nên hỏi nhà vườn khi bán cây (ít nhà vườn cho bạn ý này lắm trừ nhà vườn có tâm vì họ chỉ muốn bán cây cho bạn thôi). Đối với hồng có 1 giờ đồng ánh nắng chiếu cũng đủ rồi, tuy nhiên cây phải để chỗ thoáng.
Bạn có một giải pháp nữa cho cây là bạn sử dụng đền Zako dùng cho trồng hoa hồng. Đèn thay thế hoàn toàn ánh nắng mặt trời để bổ sung nắng cho cây. Đèn này giá là 1.45 triệu một cái, ngày thắp 10 tiếng thì bạn hết 20 nghìn tiền điện mỗi tháng. Nếu bạn không có điều kiện mua đèn thì bạn phải tăng cường bón bón phun kích chồi là 7 ngày hoặc 5 ngày lần thay vì bạn đợi 10 ngày mới phun.
Ngắm vườn hồng của chị, ai cũng thấy mê.
Nhà nhiều nắng phun 1 lần cây đã bung chồi, nhưng ít nắng bạn phải phun hai hoặc ba lần. Cây nhiều nắng có thể 25 ngày đến 30 ngày lượt hoa, nhưng cây ít nắng mà siêng phun kích chồi hơn thì 30-35 ngày một lượt. Đối với nhà nào ban công ít nắng thì có giải pháp, cây vừa cắt tỉa để ra chỗ nhiều nắng nhất, cây lên chồi rồi thì để chỗ ít nắng hơn và cây đã ra hoa thì để vào chỗ ít nắng nhất. Làm như vậy thì cây luôn có chồi và hoa cũng rất bền, thoả thích ngắm.
- Thứ 7: Chỉ phun thuốc vào chiều tối mát, tuyệt đối không phun thuốc vào buổi sáng vì nắng sẽ làm cháy lá. Mình hay phun vào lúc 6 giờ - 7 giờ tối, sáng hôm sau tưới nước phun thật mạnh để rửa sạch lá. Ưu tiên đầu tiên lựa chọn thuốc có nguồn gốc sinh học.
Về sâu bệnh trĩ dùng Radian, Confidor, Reasgant, Siêu Nhện Agri
Phun nhện dùng Ortus, Siêu nhện Agri
Nấm sử dụng: Nativo, coc85, MANOZEB 80WP
Cứ thay phiên nhau phun cho đỡ lờn thuốc và nên ngừa bệnh hơn là để bệnh bị mới trị.
- Thứ 8: Cắt tỉa rất quan trọng, các bạn nên lưu ý phần này vì cắt tỉa sai sẽ hại cây và thời gian cho chồi là rất lâu.
Thực tế, thời tiết và khí hậu sẽ quyết định cây hoa hồng phát triển tốt hay không tốt, cây cho hoa đẹp hay không đẹp. Chính vì thế, nếu bạn ở xứ nóng như Miền Nam hoặc là mùa hè ở miền Bắc thì đừng mong chờ nhiều quá là cây sẽ đẹp như Đà Lạt và ở ngoài Bắc vào mùa đông, mùa xuân. Đối với thời tiết như mùa hè khi cắt tỉa sẽ cắt dưới cuống hoa 2-3cm; Đối với thời tiết như mùa đông khi cắt tỉa sẽ cắt sâu xuống để đọt lên nhiều hơn; Cắt tỉa tuỳ loại hoa, có loại thì cắt hết cành tăm, có loại không được cắt cành tăm. Từ những hướng dẫn đó mình làm theo thì thấy rât đúng, vừa cắt xong chừng vài ngày là chồi đã lên. Nói là ở Miền Nam hoặc là mùa hè Miền Bắc không có chồi mập từ gốc không đúng, vẫn có rất nhiều nhưng mà việc mình cắt tỉa sâu sẽ làm hai cây và mất thời gian rất lâu cây mới lên chồi được.
Nên cắt đồng loạt 1 lần khi hoa nở 80% cắt hết cả nụ chưa nở để hoa lứa sau đồng loạt và đều hơn. (Nhớ bón phân trước và sau khi cắt vì lúc này cây thực sự kiệt quệ vì đợt hoa tàn sát.
- Thứ 9: Nguồn nước tưới: Cây trồng ban công thường tưới trực tiếp từ vòi nước máy ra, nguồn nước này nhiều HCL nên dùng để tưới không tốt, nên để ở thùng cho lắng đọng các hoá chất trước khi tưới.
Tưới cây tưới nhẹ theo chiều xoắn ốc, tưới đẫm vào buổi sáng đến trưa rảnh lên xịt lá cho cây mát.
Còn rất nhiều, đặc biệt là bài học xương máu mà Mai đã trải qua, lần nào rảnh sẽ viết 1 bài chia sẽ cho mọi người nhé.
Đây là tất cả những kinh nghiệm minh đúc kết và mình được các anh chị chia sẽ, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn yêu hoa hồng như mình.
Khuôn viên vườn hồng của mẹ đảm.
Nguồn ảnh: Hoàng Tuyết Mai