Để ước lượng con số này, có rất nhiều cách, nhưng cách đơn giản và trực tiếp nhất là tham khảo tuổi thọ trung bình của con người, con số này phản ánh tuổi thọ hiện tại của con người, xem chúng ta có thể sống được bao nhiêu năm nữa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của con người trên toàn cầu đạt 73,3 tuổi. Trong khi cách đây hơn nửa thế kỷ (1950), con số là 47 tuổi. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian vài thập kỷ trôi qua, loài người đã thực sự sống thêm được gần 30 tuổi!
Vậy nguyên nhân là do đâu? Với sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ của y học, con người ngày càng sống lâu hơn. Các nhà khoa học dự đoán rằng, con số này sẽ tiếp tục tăng lên và tuổi thọ con người ngày càng kéo dài.
Một số câu hỏi khác lại được đặt ra: độ tuổi tối đa mà một người có thể sống là bao nhiêu? Chúng ta có thể làm gì để khiến mình sống lâu nhất có thể? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây.
Tuổi thọ tối đa của con người là bao nhiêu?
Theo Sohu, kỷ lục được công nhận trên toàn cầu về tuổi thọ con người dài nhất là 122 năm. Người già nhất hiện còn sống là một phụ nữ Nhật Bản tên là Tanaka Riko.
Sinh năm 1903, cụ bà vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 119 vào ngày 2/1/2022 và hiện cụ vẫn đang sống trong một viện dưỡng lão ở Nhật Bản.
Bạn có thể nghĩ rằng không có gì lạ khi có những người sống ở độ tuổi 100 và 110 thì có thể sẽ có những người khác sống lâu hơn. Vậy, một người có thể sống được bao lâu nếu không tính đến các yếu tố bên ngoài?
Vào ngày 25/5/2021, một nhóm nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Singapore đã công bố một bài báo nghiên cứu trên tạp chí học thuật nổi tiếng quốc tế Nature Communications. Bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng giới hạn trên của tuổi thọ con người là 150 năm.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ hơn 540.000 tình nguyện viên ở các độ tuổi khác nhau ở Mỹ, Anh và Nga . Khi con người già đi, khả năng tự phục hồi của họ cũng sẽ suy giảm, ví dụ người 80 tuổi cần thời gian hồi phục gấp 3 lần người 40 tuổi.
Khi khả năng “sửa chữa” thấp đến mức giới hạn, con người sẽ chết. Khi tuổi thọ của con người đạt từ 120 đến 150 tuổi, khả năng phục hồi của bản thân sẽ hoàn toàn mất đi, con người sẽ chạm đến cực hạn của tuổi thọ.
Trong tương lai, loài người sẽ ngày càng tiến gần đến giới hạn tuổi thọ là 150 tuổi.
Làm thế nào để sống lâu hơn?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ và bí mật về tuổi thọ của con người vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá hết. Nhưng theo một cách khác, cái gọi là tuổi thọ chính là trì hoãn cái chết càng lâu càng tốt. Nói cách khác, khi chúng ta già đi, cơ hội kéo dài sự sống sẽ càng lớn nếu chúng ta tránh được càng nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng càng tốt.
Trước đó, nhiều căn bệnh cấp tính khác nhau, chẳng hạn như bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus đã lấy đi mạng sống của rất nhiều người. Hiện nay, để sống lâu hơn, “kẻ thù” của bạn chính là những căn bệnh mãn tính. Theo Sohu, năm 2019, tại Trung Quốc, số người tử vong do các bệnh mãn tính chiếm 88,5% tổng số ca tử vong.
Cũng trong năm này, tạp chí y khoa có uy tín quốc tế “The Lancet” đã xuất bản một bài báo phân tích 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của người Trung Quốc trong 30 năm qua, đó là: đột quỵ, thiếu máu cơ tim, hệ hô hấp (khí quản, phế quản, phổi), ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư gan, ung thư dạ dày, bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác, bệnh tim cao huyết áp.
Làm thế nào để tránh được các căn bệnh mãn tính?
Hầu hết chúng ta đều mong muốn được sống lâu mà không mắc các căn bệnh mãn tính. Thực tế thì các căn bệnh mãn tính là một quá trình dài tích tụ mầm mống bệnh trong cơ thể trước khi chúng trở nặng và phát tác ra ngoài.
Khởi đầu của những căn bệnh này thường chỉ là khó chịu cơ thể không quá nguy hiểm như và chúng ta thường không để ý đến như ngủ không ngon giấc lâu ngày, tính thần không tốt, đường huyết hơi cao,…
Nếu không kịp thời chữa trị, cuối cùng, những dấu hiệu nhỏ này sẽ tiến triển thành một bệnh nào đó, chẳng hạn như huyết áp cao, lipid máu cao, tiểu đường,…
Nếu việc kiểm soát bệnh tật không được thực hiện tốt, có thể xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác nhau.Cuối cùng, cái chết có thể đến vào một lúc nào đó.
Một báo cáo thống kê của WHO cho thấy 60% các bệnh mãn tính có liên quan đến lối sống không lành mạnh. Vậy “lối sống lành mạnh” là gì? Dưới đây là 4 lối sống lành mạnh mà bạn có thể tham khao để kéo dài tuổi thọ của bản thân:
1. Ăn uống điều độ, nói không với thuốc lá, rượu bia
Chế độ ăn uống mất cân bằng như ăn quá nhiều dầu, muối, đồ ngọt dẫn tới thừa cân, béo phi là những nguy cơ chính dẫn tới sự xuất hiện của các căn bệnh mãn tính.
Chúng ta cần có một chế độ ăn uống hợp lý, ăn quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho sức khỏe và tuổi thọ.
Nên ăn:
Đa dạng thực phẩm và sắp xếp hợp lý
(1). Chế độ ăn hàng ngày nên bao gồm ngũ cốc và khoai tây, rau và trái cây, thịt gia súc và gia cầm, trứng và sữa, đậu nành và các loại hạt và các loại thực phẩm khác.
Tiêu thụ hơn 12 loại thực phẩm mỗi ngày và 25 loại mỗi tuần.
(2). Ăn nhiều trái cây và rau quả, sữa, đậu nành
- Có rau trong bữa ăn, ít nhất 300~500 gram rau mỗi ngày, rau sẫm màu nên chiếm một nửa
- Ăn 200~350 gram trái cây tươi mỗi ngày, nước trái cây không thể thay thế trái cây tươi.
- Ăn các sản phẩm từ sữa mỗi ngày tương đương với 300 gram sữa nước; thường xuyên ăn các sản phẩm từ đậu nành; ăn các loại hạt điều độ.
(3). Ăn cá, thịt gia cầm, trứng, thịt nạc ở mức vừa phải
- Ăn 280-525 gram cá, 280-525 gram thịt gia súc và gia cầm, 280-350 gram trứng mỗi tuần, với lượng trung bình mỗi ngày là 120-200 gram.
- Ưu tiên cá và gia cầm;
- Ăn trứng mà không bỏ lòng đỏ;
- Ăn ít chất béo, thịt hun khói và thịt đã qua xử lý.
(4). Ít muối và ít dầu, kiểm soát đường và hạn chế rượu
- Người trưởng thành không nên ăn quá 6 gram muối/ngày và 25-30 gram dầu ăn/ngày;
- Lượng đường bổ sung không được quá 50 gram/ngày, tốt nhất là dưới 25 gram;
- Lượng axit béo chuyển hóa nạp vào cơ thể hàng ngày không được vượt quá 2 gram;
- Uống đủ nước, người trưởng thành nên uống 7-8 cốc (tương đương 1500-1700 ml) mỗi ngày, nên uống nước đun sôi và trà;
- Tránh hoặc hạn chế đồ uống có đường;
- Không uống rượu, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, phụ nữ có thai và cho con bú.
2. Ngủ, nhưng không phải ngủ nhiều hơn là tốt hơn
Giấc ngủ ngon và tuổi thọ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Một nghiên cứu khoa học thu thập tình trạng giấc ngủ của 116.000 tình nguyện viên đến từ 21 quốc gia và theo dõi họ trong 8 năm cho thấy, những người ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày, hoặc nhiều hơn 8 tiếng một ngày có tỷ lệ tử vong cao hơn và nguy cơ mắc bệnh bệnh tim mạch cao hơn so với những người ngủ từ 6 đến 8 tiếng.
Một điểm cần lưu ý nữa là không phải càng ngủ nhiều càng tốt, ngủ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu của tim, khiến não luôn trong tình trạng không được cung cấp đủ máu và oxy trong thời gian dài, khiến chúng ta dễ bị chóng mặt và các triệu chứng khó chịu khác.
Các nhà khoa học cũng phân tích toàn diện dữ liệu lâm sàng từ 74 nghiên cứu với tổng số 3,34 triệu người tham gia và phát hiện ra rằng những người ngủ hơn 9 giờ một ngày có tỷ lệ tử vong cao hơn 14% so với những người ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày; ngủ hơn 10 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ tử vong cao hơn 30%; những người ngủ hơn 11 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ tử vong cao hơn 47%.
3. Tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, ung thư,...
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng rất ít người thực sự có thể thực hiện và gắn bó với hoạt động này lâu dài và đều đặn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã tiến hành một cuộc khảo sát dài hạn trên toàn quốc từ năm 2006 đến 2018 và phát hiện ra rằng chỉ có 53,3% người Mỹ đạt được mục tiêu tập thể dục được khuyến nghị, tức là hoàn thành 75 phút cường độ mạnh mỗi tuần, hoặc 150 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ 150 kcal/ngày, hoặc 1000 kcal/tuần có thể giúp giảm 50% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tăng huyết áp, tiểu đường và ung thư từ 30% đến 35%.
Các nhà khoa học Đan Mạch đã thu thập tổng số 8.577 hoạt động thể thao nghiệp dư của các tình nguyện viên từ năm 1991 đến năm 1994, và thực hiện một cuộc khảo sát theo dõi trong 25 năm liên tục, công bố kết quả khảo sát vào năm 2018.
Sau khi phân tích khoa học, người ta thấy rằng so với nhóm ít vận động không có sở thích thể thao nghiệp dư, các hình thức tập luyện khác nhau có thể kéo dài tuổi thọ trung bình một cách đáng kể.
Dưới đây là 7 môn thể thao hàng đầu có khả năng kéo dài tuổi thọ của chúng ta:
(1). Quần vợt: 9,7 năm
(2). Cầu lông: 6,2 năm
(3). Bóng đá: 4,7 năm
(4). Đi xe đạp: 3,7 năm
(5). Bơi lội: 3,4 năm
(6). Chạy bộ: 3.2 năm
(7). Thể dục nhịp điệu: 3,1 năm
4. Thái độ lạc quan
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ với hơn 70.000 tình nguyện viên đã được theo dõi trong vòng 30 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Nhóm tình nguyện viên lạc quan nhất đã tăng 70% khả năng sống qua 85 tuổi đối với nam giới và tăng 50% đối với phụ nữ.
Kết luận
Nhiều khi, tuổi thọ không phải là một vấn đề y học mà là vấn đề về lối sống. Và câu trả lời nằm trong chính cuộc sống hàng ngày của bạn như chế độ ăn, ngủ, tập thể dục và tư duy.
Nói cách khác, không có công thức bí mật nào để kéo dài tuổi thọ, nó thiên về tích lũy và duy trì những thói quen lành mạnh.
Cuối cùng, quan trọng hơn việc theo đuổi sự “trường sinh” một cách mù quáng là sống một cuộc đời thật ý nghĩa!