Từ năm 1975 đến năm 1991, Hà Tây và Hòa Bình từng được sáp nhập thành một tỉnh là Hà Sơn Bình. Khi hợp nhất, tỉnh Hà Sơn Bình có khoảng 1,9 triệu người người với 21 huyện, 3 thị xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Đông.
Hà Tây và Hòa Bình từng được sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Đến năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình được chia lại để tái lập tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình, đồng thời trả thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất về tỉnh Hà Tây quản lý.
Từ ngày 01/8/2008, tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Cụ thể hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội (số liệu năm 2008).
Sau khi Hà Tây sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao (gần 6,7%/năm), bình quân gấp 1,12 lần so với mức tăng chung của cả nước. Năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động, gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động).
Ngành du lịch của TP Hà Nội được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong nhóm 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hà Nội đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến trên thế giới.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu người, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu người. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt (tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái).
Sau sáp nhập, an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội được nâng cao. Thành phố đã triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng. Từ năm 2008, không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.