Tuy nhiên, một sự thật đáng sợ mà chúng ta cần đối mặt là, có khả năng cao tiền tiết kiệm của hầu hết mọi người sẽ dần dần cạn kiệt và trở về con số 0. Vậy nguyên nhân là gì?
Thu nhập không đủ chi tiêu - nguyên nhân hàng đầu
Nhiều nguyên nhân khiến tiền tiết kiệm của hầu hết mọi người sẽ dần dần cạn kiệt (Ảnh minh họa)
Một thực tế là nhiều gia đình dù có tích lũy được một khoản tiết kiệm nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, tình trạng thu nhập không đủ chi tiêu đã khiến nhiều người phải liên tục rút bớt từ số tiền tích góp của mình. Thu nhập của nhiều gia đình không tăng đáng kể, trong khi đó chi phí sinh hoạt, từ thực phẩm đến giáo dục và y tế, không ngừng leo thang. Nhiều gia đình buộc phải sử dụng tiết kiệm để bù vào phần thiếu hụt. Lâu dần, khoản tiết kiệm sẽ hao hụt dần cho đến khi cạn kiệt, và việc tích lũy một khoản mới gần như là bất khả thi.
Giá nhà cao chót vót lấy đi mọi khoản tích lũy
Giá bất động sản tăng cao không ngừng trong những năm gần đây khiến nhiều gia đình, dù có khả năng tích lũy, cũng không thể không vơi dần tài sản. Để có được một căn nhà, phần lớn các gia đình phải dốc hết khoản tiết kiệm để trả tiền đặt cọc, sau đó là gánh nặng trả nợ hàng chục năm cho ngân hàng. Những khoản chi tiêu hàng tháng chỉ đủ để trang trải các chi phí cơ bản, chứ chưa nói đến việc để dành một khoản tiền. Cuối cùng, dù làm việc miệt mài cả đời, nhiều người vẫn nhận ra họ chẳng còn nhiều tài sản để lại sau khi trả hết khoản vay nhà ở.
Rủi ro từ mất việc và chi phí y tế tăng cao
Một trong những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến tài sản của gia đình là mất việc và chi phí y tế. Với thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là với nhóm lao động trung niên trên 40 tuổi, nguy cơ mất việc rất lớn. Người trong độ tuổi này khó tìm được việc làm ổn định với mức lương tương đương, thậm chí các công ty thường ưu tiên tuyển dụng người dưới 35 tuổi, khiến người lớn tuổi buộc phải làm việc tạm thời hoặc các công việc ít đãi ngộ hơn. Nhiều người phải sử dụng tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống khi chưa tìm được công việc mới.
Ngoài ra, chi phí y tế ngày càng cao cũng là một gánh nặng lớn. Các loại thuốc nhập khẩu hoặc dịch vụ y tế chuyên sâu thường không được bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ, khiến người bệnh phải tự chi trả phần lớn. Một số bệnh nặng đòi hỏi chi phí cao, có thể bòn rút hết các khoản tiết kiệm tích lũy của cả đời người chỉ trong vài tháng điều trị. Ngay cả khi bình phục, nhiều gia đình cũng phải đối diện với tình trạng tiết kiệm gần như cạn kiệt.
Phí tổn cho hưu trí và dưỡng lão
Với mức lương hưu hiện nay, đa phần chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất. Với mức lương hưu trung bình khoảng 2-3 triệu đồng, nhiều người cao tuổi không thể trang trải đầy đủ chi phí sinh hoạt, nhất là trong trường hợp cần thuê người chăm sóc hoặc có các vấn đề sức khỏe đòi hỏi điều trị dài hạn. Nhiều người phải tiếp tục chi tiêu từ khoản tiết kiệm để cải thiện chất lượng sống khi về hưu. Một số người muốn giữ sức khỏe tốt thường mua các loại thực phẩm chức năng, bảo hiểm sức khỏe, hay phải thuê nhân viên chăm sóc. Những khoản chi phí này dần dần ăn mòn khoản tiền tiết kiệm mà họ đã dành dụm suốt cuộc đời.
Hệ quả và giải pháp
Với những áp lực tài chính từ chi phí sinh hoạt tăng cao, giá nhà đất, rủi ro mất việc và chi phí y tế, phần lớn người dân phải đối diện với viễn cảnh không còn lại nhiều tiền tiết kiệm khi đến tuổi hưu trí. Thực tế này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề của nhiều quốc gia khác. Khi đối mặt với tương lai này, điều tốt nhất là lên kế hoạch tài chính cẩn thận và đa dạng hóa cách đầu tư, chẳng hạn như cân nhắc các khoản đầu tư an toàn, xây dựng quỹ khẩn cấp và tham gia các chương trình bảo hiểm phù hợp để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.
Mặc dù việc tiết kiệm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa rủi ro, việc chỉ dựa vào khoản tiết kiệm có thể không đủ để đảm bảo an toàn tài chính lâu dài. Khi còn sức khỏe và thu nhập ổn định, mỗi người cần xem xét kỹ về cách quản lý tài chính và các biện pháp bảo vệ tài sản để có thể an tâm hơn về tương lai.