TIN TỨC » Kiến thức

Mùa đông thường rất ít ruồi muỗi, nguyên nhân thực sự là gì?

Thứ sáu, 15/12/2023 21:11

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong mùa đông lạnh, ruồi muỗi sẽ ít hơn những mùa có thời tiết nắng ấm.

Ruồi muỗi không chỉ gây khó chịu mà còn là vật trung gian gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Chẳng hạn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não...; còn ruồi là vật trung gian lan truyền dịch tả, thương hàn, giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán lợn, các bệnh nhiễm khuẩn mắt, giun mắt Thelazia, viêm da...

Nhiều người thắc mắc tại sao mùa đông ít muỗi, ruồi. Quả thật nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy những loài vật nhỏ bé này luôn luôn hiện diện xung quanh con người, tuy nhiên chúng thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa hè, lúc nhiệt độ cao hoặc nồm ẩm và giảm tần suất xuất hiện trong mùa lạnh.

Tại sao mùa đông ít muỗi, ruồi?

Cũng giống như nhiều loài chim hay côn trùng khác, khi trời chuyển đông, thời tiết giá lạnh, các loài ruồi muỗi phải đi tìm nơi trú ẩn.

Ruồi sinh sống ở nhiều miền, nhiều vùng khí hậu khác nhau nên phương thức "ngủ đông" của chúng cũng khác nhau. Nếu sinh sống ở phương Bắc có thời tiết giá lạnh, nhiệt độ thấp, ruồi sẽ tồn tại dưới hình thức nhộng, còn ở phương Nam ấm áp hơn, chúng sẽ sống dưới dạng ấu trùng đã trưởng thành.

Trong mùa đông, ấu trùng ruồi trưởng thành thường đậu yên ở những nơi kín gió, có ánh nắng mặt trời như dưới mái hiên, khe tường, chuồng súc vật, nhà tiêu..., không bay cũng như ăn uống gì.

Tất nhiên, chúng vẫn sống tốt bởi trước khi mùa đông đến, loài côn trùng này đã dự trữ rất nhiều dinh dưỡng dưới dạng mỡ trong cơ thể và được sử dụng dần cho đến mùa xuân ấm áp mới bắt đầu bay và hoạt động bình thường.

Muỗi cũng có nhiều loài, mỗi loài lại có phương thức sống qua mùa đông khác nhau. Có loài tồn tại trong mùa đông dưới dạng trứng, đến khi xuân về sẽ nở thành ấu trùng. Có loài lại tìm cách lẩn trốn vào những nơi kín gió như góc nhà, gầm giường, hốc câu... và đợi đến mùa xuân mới hoạt động trở lại.

Có loài khác lại chọn cách tồn tại dưới dạng bọ gây, có thể sống dưới đáy hồ đóng băng, đợi mùa xuân mới phát triển và lột xác thành muỗi.

Cách phòng chống ruồi muỗi hiệu quả

Mặc dù mùa đông ít muỗi, ruồi xuất hiện nhưng gầm giường, gầm tủ, kệ sách... vẫn có thể là nơi trú ngụ của chúng vì đó là nơi kín gió, ấm thích hợp với hoạt động ngủ đông.

Sự thay đổi bất thường của thời tiết như thỉnh thoảng trời đổ nắng, thời tiết nồm ẩm cũng là cơ hội để ruồi muỗi tranh thủ hoạt động mạnh mẽ khiến chúng ta dễ bị muỗi đốt và có nguy cơ bị lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm.

Vì vậy, bất kể mùa đông hay mùa hè, chúng ta đều phải phòng chống muỗi bằng một số biện pháp sau để bảo vệ sức khoẻ:

- Dùng bẫy điện: Dùng vợt muỗi hoặc đèn đuổi muỗi để có thể xua tan côn trùng trong phòng

- Cải tạo môi trường: Nạo vét cống rãnh, vũng nước, nhổ cỏ và phát quang các bụi rậm quanh nhà, thường xuyên vệ sinh nhà cửa kể cả gầm giường, gầm tủ, kệ sách...

- Dùng thuốc xịt muỗi hoặc đèn đuổi muỗi

- Phun thuốc muỗi, tuy nhiên đây chỉ nên là giải pháp cuối cùng bởi hoá chất từ thuốc diệt muỗi có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới