TIN TỨC » Kiến thức

Mức phạt nồng độ cồn tăng mạnh: Uống một cốc bia hay một ly rượu, mất bao lâu để nồng độ cồn về 0?

Thứ năm, 02/01/2025 15:52

Việc uống rượu, bia và giải phóng nồng độ cồn về 0 tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Việc uống một ly rượu hay một cốc bia trong thời gian ngắn bạn vẫn có khả năng bị phạt nếu tham gia giao thông.

Việc sử dụng rượu bia ít vẫn có những mặt lợi ích cho sức khỏe, giúp tiêu hóa, lưu thông máu tốt hơn (ở lượng thấp)… Nhưng hiện nay, 1 cốc bia, 1 ly rượu bạn vẫn bị vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (1 ly); 25 ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Một người trưởng thành sức khoẻ bình thường thì cứ sau 1 giờ, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.

Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10-15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85-90% sẽ được xử lý qua gan.

Tuỳ vào lượng uống rượu, bia sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn. Ảnh minh họa

Uống một chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 1 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 1 giờ đào thải. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 giờ để cồn trong máu về 0. Do đó, nếu bạn uống 1 chén rượu mạnh, bạn sẽ mất khoảng 3 giờ đồng hồ sau uống thì thổi nồng độ cồn mới không lên.

Một cốc bia tương đương khoảng hai đơn vị cồn, trung bình sẽ mất khoảng 2 giờ để thải trừ. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 giờ để cồn trong máu về 0. Do đó, nếu bạn uống một cốc bia thì mất khoảng 5 giờ thổi nồng độ cồn mới không lên.

Với quy định hiện nay, khi bạn bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25mg/L bạn đã vi phạm. Vì vậy, một ly rượu hay một cốc bia trong thời gian ngắn bạn vẫn có khả năng bị phạt nếu tham gia giao thông.

Mức phạt người điều khiển xe ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2025

Từ ngày 1/1/2025, áp dụng một số mức phạt mới với người điều khiển ô tô, xe máy đi vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, phạt tiền từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 16-18 triệu đồng) đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 milít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 4-5 triệu đồng) người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 milít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 6-8 triệu đồng) người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 milít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 6-8 triệu đồng).

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới