Đông Anh là huyện ngoại thành của Hà Nội, đây là khu vực có lợi thế về hạ tầng khi có 3 cây cầu lớn chạy qua, hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Đây còn là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, diện mạo huyện thay đổi rõ rệt qua từng năm.
Những dự án ở Đông Anh - huyện sắp lên quận tại Hà Nội.
Từ nay đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa huyện Đông Anh lên quận. Loạt dự án hạ tầng đang được đầu tư nhằm mục đích bổ trợ cho huyện Đông Anh trong tiến trình lên quận như: Khép kín vành đai 3 qua huyện Đông Anh 8.000 tỷ, dự án Thành phố thông minh 4 tỷ USD, dự án Vinhomes Cổ Loa 35.000 tỷ …
Siêu dự án Thành phố thông minh (hay BRG Smart City) nằm ngay chân cầu Nhật Tân, trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài của thành phố Hà Nội. Dự án có tổng diện tích 2,72 km2 với số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD. Dự án do 2 chủ đầu tư hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản xây dựng, phát triển là BRG và Sumitomo.
Dự án được chia thành 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào quý IV/2032. Đây sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại mới tại cửa ngõ phía Bắc. Điểm nhấn của dự án là tháp Tài chính Phương Trạch 108 tầng - dự kiến sẽ trở thành trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Vinhomes Cổ Loa là khu đô thị sinh thái kiểu mẫu, xây dựng ngay sát với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, có hệ thống tiện ích dịch vụ khép kín, đồng bộ. Dự án bao gồm các sản phẩm như: Biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, shophouse thương mại…
Dự án Vinhomes Cổ Loa do Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích gần 3,9 km2, trong đó khu vực phát triển đô thị gần 3 km2. Tổng mức đầu tư là hơn 42.000 tỷ đồng.
Phần còn lại của dự án Vinhomes Cổ Loa là Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia với quy mô hơn 90 ha, diện tích xây dựng trong nhà hơn 55 ha, sức chứa lên tới hơn 38.000 người. Trong ảnh là khu đất quy hoạch xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, tại đây có đường dẫn chạy lên cầu Tứ Liên, song song với Sông Ngũ Huyện Khuê.
Công trình bao gồm các phân khu chức năng. Đây sẽ là “thành phố triển lãm” độc đáo, kết hợp giữa nhiều công trình hoàn hảo, là dự án tạo nên điểm nhấn cho khu vực Cổ Loa – Đông Anh.
Bên cạnh đó, huyện Đông Anh còn đầu tư xây dựng nhiều cây cầu lớn. Cầu Tứ Liên sẽ là cây cầu thứ 7 nối trung tâm thành phố và các quận, huyện bên kia sông Hồng, là cầu dây văng thứ 2 sau Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội. Công trình nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Dự án có tổng chiều dài khoảng 11,5 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài 5,2 km, bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Cầu được dự kiến khởi công vào quý 4/2024, thi công trong 4 năm và vận hành năm 2028. Trong đó, chiều dài của cầu chính là 820 m, bề rộng cầu khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe, đường hai đầu cầu rộng 50-60 m.
Trong ảnh là cầu Thăng Long sau khi trải qua một đợt sửa chữa vào cuối năm 2020. Cầu hiện có 2 tầng, quy mô 4 làn tầng trên dành cho ôtô và hai làn tầng dưới dành cho xe thô sơ. Dự kiến, Hà Nội xây thêm cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, vị trí ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại.
Trong giai đoạn 2023 – 2028, vành đai 3 qua huyện Đông Anh sẽ được triển khai, giúp khép kín vành đai 3. Đường có chiều dài gần 15 km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu đường giao với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh).