Theo quan niệm dân gian, ông Táo được xem là vị thần cai quản bếp lửa, nắm giữ mọi việc trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp, các Táo sẽ cưỡi cá chép về trời, tâu báo với Ngọc Hoàng về những sự việc đã diễn ra trong năm vừa qua. Chính vì vậy, việc cúng tiễn ông Công ông Táo là một nghi thức quan trọng, thể hiện lòng biết ơn và mong muốn một năm mới an lành, may mắn.
Nên đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở bàn thờ gia tiên hay nhà bếp?
Sự phân vân về vị trí đặt mâm cúng xuất phát từ quan niệm dân gian cho rằng ông Công là thần Thổ Công, cai quản đất đai và gia cư, nên cần được thờ cúng ở bàn thờ chính trong nhà. Trong khi đó, ông Táo là thần trông coi bếp núc, nên nhiều người cho rằng việc cúng lễ nên được thực hiện ở dưới bếp.
Ngày xưa, các gia đình thường có bàn thờ ông Táo riêng đặt ngay trong bếp, có thể là cạnh bếp hoặc trên bếp. Quan niệm này xuất phát từ việc ông Táo là người giữ lửa, nên việc đặt bàn thờ tại bếp thể hiện mong muốn căn bếp luôn ấm cúng, gia đình hòa thuận, sung túc. Vì lẽ đó, khi có bàn thờ ông Táo riêng trong bếp, mâm cúng cũng sẽ được đặt tại đây.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình không còn giữ thói quen lập bàn thờ ông Táo riêng biệt trong bếp. Điều này dẫn đến việc băn khoăn về vị trí đặt mâm cúng. Thực tế, không có quy định nào bắt buộc việc phải cúng ông Công ông Táo ở đâu, mà phụ thuộc vào tình hình thực tế và quan điểm của từng gia đình.
Hiện nay, chưa có một tài liệu chính thức nào quy định cụ thể về vị trí đặt mâm cúng ông Công ông Táo. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, và đây chủ yếu là quan niệm dân gian, có sự khác biệt giữa các vùng miền.
Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng, việc cúng bái cần sự trang nghiêm. Do đó, mâm cúng ông Công ông Táo thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Nếu gia đình có bàn thờ ông Công ông Táo riêng, thì có thể bày mâm cúng tại đó. Ngược lại, nếu không có bàn thờ riêng, gia chủ có thể thực hiện nghi lễ cúng ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên, tránh đặt trong nhà bếp. Dù có nhiều quan niệm khác nhau, điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ trong việc thờ cúng.
Văn khấn cúng ông Công ông Táo
Để việc cúng lễ thêm phần trọn vẹn, gia chủ có thể tham khảo bài văn khấn theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam":
(Đọc 3 lần câu: "Nam mô A Di Đà Phật")
Kính lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là... ngụ tại...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
(Đọc 3 lần câu: "Nam mô A Di Đà Phật")
Việc đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở đâu không quá quan trọng, điều cốt yếu là gia chủ cần thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh. Quan trọng hơn cả, là việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo