TIN TỨC » Kiến thức

Nên đổ trực tiếp nước rửa bát lên bát đĩa bẩn hay hòa nước rồi mới rửa? Đây mới là cách rửa bát vừa tiết kiệm nước rửa vừa tiết kiệm thời gian

Thứ tư, 15/09/2021 10:11

Khi ở nhà nhiều hơn và quán xá đóng cửa, mọi người bắt đầu chuyển sang tự nấu ăn và khoe thành quả trên mạng xã hội. Điều đó có nghĩa là lượng chén bát cần rửa cũng tăng lên và số lần rửa cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, cách rửa bát như thế nào mới chuẩn, vừa tiết kiệm nước rửa vừa tiết kiệm thời gian?

Rửa bát - công việc hàng ngày nhà nào cũng làm và ai cũng có thể thực hiện được. Chính vì việc rửa chén bát được xem là việc vặt "đáng ghét", thế nên đôi lúc chúng ta cứ chủ quan làm cho xong chuyện mà quên mất việc rửa chén và đồ bếp đúng cách quan trọng như thế nào đối với sức khỏe của các thành viên trong gia đình đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cách rửa bát đĩa chuẩn, vừa tiết kiệm nước rửa vừa tiết kiệm thời gian

Khi rửa bát nên đổ trực tiếp nước rửa bát lên bát đĩa bẩn hay hòa nước rồi mới rửa?

Đổ nước rửa chén trực tiếp lên bát đĩa bẩn là thói quen của rất nhiều bà nội trợ vì cho rằng việc đổ trực tiếp sẽ giúp tẩy sạch dầu mỡ hiệu quả. Tuy nhiên trên thực thế việc này không những không giúp bạn làm sạch dầu mỡ mà còn khiến bạn dùng quá nhiều nước rửa chén, đặt biệt còn gây hại cho sức khỏe. Chất tẩy rửa cho trực tiếp vào bát đĩa, phần nước rửa chén này có thể sẽ không bị rửa trôi hết. Dư lượng hóa chất bám vào chén đĩa, nồi niêu sẽ bám trở lại vào thức ăn và theo đó vào cơ thể khi bạn dùng lần tiếp theo. Khi những hóa chất này vào cơ thể sẽ gây nhiều vấn đề cho đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng..., thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, nội tiết.

Cách làm đúng là cho lượng vừa phải chất tẩy rửa vào bát nước, pha loãng rồi thấm bằng miếng rửa bát. Sau khi rửa sạch, nên để bát đĩa nơi khô ráo.

Cách rửa bát đĩa chuẩn, vừa tiết kiệm nước rửa vừa tiết kiệm thời gian

Dọn sơ qua thức ăn trước khi rửa bát

Gạt thức ăn thừa còn vương lại trên bát đĩa sau khi dùng, dẩu mỡ thừa trên dụng cụ nấu nướng vào thùng rác hoặc gom lại nếu cho vật nuôi trong nhà nếu có. Việc này không những giúp việc rửa chén nhanh chóng, đỡ mất công sức mà còn hạn chế thức ăn, dầu mỡ thừa đọng lại trong ống thoát nước lâu ngày gây tắc cống.

Phân loại bát đĩa

Dù bạn rửa bằng tay hay bằng máy thì cũng nên làm việc này. Sau khi gạt bỏ thức ăn hãy sắp xếp, phân loại bát đĩa theo thứ tự lần lượt dưới cùng là đĩa, bát tô, bát con, sau đó là cốc chén, đũa thìa để thuận tiện nhất trong quá trình rửa, vừa nhanh, bớt bầy hầy và tiết kiệm thời gian.

Xối nưới lên bát đĩa 1 lượt

Bước làm này cũng khá quan trọng, nó giúp bạn loại bỏ thức ăn còn sót lại, dầu mỡ, đồng thời giúp bát đũa được ngấm nước giúp cho quá trình rửa thêm dễ dàng và thuận lợi hơn.

Với những xoong nồi hay bát đĩa dính đồ ăn khô cứng, không thể rửa được luôn thì bạn nên ngâm trong nước một thời gian để rửa sau nhé.

Rửa với nước rửa bát

Hòa một lượng vừa đủ nước rửa bát cùng với nước ấm, sau đó khuấy cho nước rửa tan đều. Tiếp đến, bạn sử dụng bọt biển hoặc miếng lưới rửa chén bát, nhúng vào bát dung dịch nước rửa vừa pha.

Sau đó, rửa lần lượt chén bát theo thứ tự: Rửa đồ ít dầu mỡ trước, đồ nhiều dầu mỡ sau, rửa những bát đĩa to trước rồi đến bát đĩa nhỏ sau làm sao để những cái rửa sau có thể đặt chồng lên những cái rửa trước để tiết kiệm không gian.

Tráng lại với nước sạch

Nên tráng lại bằng nước sạch ít nhất 2 lần để loại bỏ hoàn toàn nước rửa bát. Riêng lần cuối bạn nên rửa chén bát trực tiếp dưới vòi nước.

Với đồ nhựa, sau khi rửa tốt nhất nên ngâm qua nước ấm cùng vài vài lát chanh rồi tráng lại bằng nước sạch. Với đồ thủy tinh nên rửa bằng nước ấm để giữ độ sáng bóng.

Sắp xếp chén đĩa

Nếu cẩn thận, bạn có thể úp chén bát vừa rửa vào một chiếc rổ để chén bát ráo nước, sau đó sắp xếp gọn chén, bát vào giá để chén bát. Hoặc nếu giá để chén bát được thiết kế có chỗ hứng nước thì bạn có thể xếp luôn chén bát vào mà không cần chờ cho ráo nước.

Vệ sinh bọt biển/miếng lưới rửa bát và bồn rửa

Bọt biển/miếng lưới rửa bát sẽ trở thành ổ vi khuẩn nếu không vệ sinh đúng cách sau mỗi lần dùng. Nên thay 3 tháng 1 lần. Giặt sạch và phơi khô nơi thoáng mát, hoặc có thể hãy phơi dưới nắng ban ngày để loại bỏ vi khuẩn.

Vệ sinh bồn rửa sau khi chế biến thức ăn và sau khi rửa chén bát, đồ bếp. Và đương nhiên nên dùng một cái giẻ khác cái giẻ dùng để rửa bát đĩa. Ngoài ra, hàng tuần đổ một ít nước sôi vào bồn rửa (hãy thêm 1 ít bột soda để tăng hiệu quả nếu có) để đẩy hết dầu mỡ còn đọng lại trong đường ống, làm sạch đường ống.

Dương Huyền (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới