Affiliate Marketing là gì?
Affiliate Marketing hay còn gọi là tiếp thị liên kết, hiểu một cách đơn giản là bạn nhận được tiền hoa hồng khi quảng bá trực tuyến sản phẩm hay dịch vụ của công ty, nhãn hàng đó. Lúc này, bạn sẽ đóng vai trò là bên thứ ba, kết nối công ty muốn quảng cáo sản phẩm với khách hàng.
Cách hoạt động của Affiliate Marketing là đăng tải đường link quảng cáo sản phẩm của công ty trên các kênh truyền thông khác nhau như mạng xã hội, website, email để tăng lưu lượng truy cập và tạo doanh số cho người bán. Khi khách hàng nhấp chuột hoặc đặt mua sản phẩm qua các đường link này, người đăng link sẽ nhận được tiền từ phía công ty, được tính trên phần trăm giá tiền của sản phẩm. Vậy nên, tiếp thị liên kết được ưa chuộng vì tạo ra tình huống “đôi bên cùng có lợi” cho tất cả các bên tham gia. Các công ty chỉ trả chi phí hoa hồng trên doanh số được tạo ra và các affiliate marketer lại có thu nhập thụ động theo thời gian. Đây là một kênh tiếp thị rủi ro thấp mang lại lợi ích cho cả công ty và người làm quảng bá.
Affiliate Marketing đang là ngành có thu nhập khủng nhất nhì hiện tại.
Affiliate Marketing bao gồm những bên nào?
Bên cung cấp - Merchant: Bao gồm những công ty lớn/nhỏ hoặc cá nhân chịu trách nhiệm sản xuất, cung cấp các sản phẩm ra thị trường thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên phân phối - Publisher: Là những đơn vị, cá nhân giúp nhà sản cung cấp quảng bá, phân phối sản phẩm tới tay người dùng và nhận thù lao, chiết khấu từ nhà cung cấp, chẳng hạn như: bloggers, chủ website có lượng người truy cập cao, người ảnh hưởng trên Instagram, Facebook, YouTubers.
Khách hàng - Consumers: Những người mua sản phẩm, dịch vụ.
Mạng lưới tiếp thị liên kết - Affiliate Network: Là hệ thống bao gồm những người làm tiếp thị liên kết. Mạng lưới này chủ yếu cung cấp banner, link quảng cáo, đồng thời theo dõi, quản lý hiệu quả mà Affiliate Marketer mang lại. Đặc biệt, Affiliate Network sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà cung cấp và người làm Marketing Affiliate khi có tranh chấp xảy ra.
Chương trình tiếp thị liên kết - Affiliate Program: Là hệ thống tiếp thị do chính nhà cung cấp đưa ra, ví dụ chương trình Marketing Affiliate của Shopee, Lazada, Amazon...
Affiliate Marketing có những hình thức phổ biến nào?
Trả tiền cho mỗi lần bán hàng (CPS - Cost Per Sale): Với mỗi đơn được đặt hàng thông qua link giới thiệu và được thanh toán, nhận hàng thành công, bạn sẽ nhận được phần trăm hoa hồng tương ứng dựa trên số giao dịch thành công đó.
Trả tiền cho mỗi khách hàng tiềm năng (Cost Per Lead): Với mỗi thao tác đăng ký, điền bảng, để lại email, số điện thoại của người dùng... bạn sẽ được trả với số tiền tương ứng.
Trả tiền trên mỗi hành động (CPC - Per Click): Đây là hình thức cơ bản và đơn giản nhất của Affiliate Marketing. Với mỗi lượt click vào website của nhà cung cấp thông qua quảng cáo, người làm tiếp thị liên kết sẽ nhận được hoa hồng đã thoả thuận trước đó.
Trả tiền cho mỗi đơn đặt hàng (CPO - Cost Per Order): Khác với CPS, chỉ cần người dùng xem qua link sản phẩm mà bạn cung cấp và hoàn thành bước đặt hàng thành công là bạn sẽ được tính phần trăm hoa hồng ngay lập tức.
Trả tiền trên mỗi lần cài đặt ứng dụng di động (CPI - Cost Per Install): Khi khách hàng tải và cài đặt ứng dụng từ link tiếp thị liên kết, bạn sẽ nhận được tiền tương ứng với giá trị cài đặt đó. Hình thức này thường được áp dụng cho các quảng cáo liên quan về ứng dụng game trên điện thoại di động.
Tại sao bạn nên tham gia vào Affiliate Marketing?
Nếu bạn đã có công việc chính nhưng vẫn muốn kiếm thêm thu nhập hàng tháng thì Tiếp thị liên kết chính là sự lựa chọn tuyệt vời. Không đòi hỏi chuyên môn cao như các lĩnh vực khác trong ngành marketing, chỉ cần những trang mạng xã hội của bạn có lượng lớn người theo dõi là bạn đã có thể bắt đầu công việc này. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm các chương trình Affiliate để tham gia trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tik Tok Shop.
Khác với sales online, bạn không cần sở hữu những kỹ năng đặc biệt như bán hàng, tư vấn. Nhiệm vụ của bạn là tạo các nội dung thu hút người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm và đạt được doanh số thông qua đó. Bạn cũng có thể thực hiện Affiliate Marketing tại nhà, mọi lúc, mọi nơi, không bị ràng buộc về thời gian và địa điểm làm việc. Một điểm cộng khác cho việc tiếp thị liên kết là bạn không cần lo lắng về sản phẩm, dự trữ hàng hoá, vận chuyển hay đổi trả vì tất cả sẽ do nhà cung cấp chịu trách nhiệm.
Trong giai đoạn đầu có thể bạn chưa kiếm được mức thu nhập lý tưởng như mong đợi từ tiếp thị liên kết, nhưng sau 3 đến 6 tháng chăm chút đầu tư nội dung và chiến dịch tiếp thị, bạn có thể dễ dàng bỏ túi từ 5,000,000 VND đến 10,000,000 VND hoặc hơn thế nữa nếu bạn đầu tư nhiều thời gian và công sức.
Học gì để làm Affiliate Marketing thành công?
Cũng giống như Content Creator, bất kì ai cũng có thể trở thành một nhà tiếp thị liên kết, nhưng không phải ai cũng sẽ thành công. Hiếm khi bạn sẽ thành công nhanh chóng hay dễ dàng, nhưng khi được thực hiện và đầu tư thời gian đúng cách, bạn có thể tạo ra thu nhập ấn tượng.
Một nhà tiếp thị liên kết thành công đòi hỏi trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm trong thị trường Affiliate đầy cạnh tranh như hiện nay. Dưới đây là một số kiến thức và kỹ năng bạn cần trang bị để bắt đầu:
Kiến thức về Digital Marketing
Bạn có thể đăng ký các khoá học bài bản hoặc tự học đều được, quan trọng bạn nên trau dồi, đầu tư thêm kiến thức về Digital Marketing. Thông qua những kiến thức trong các khóa học về SEO, SEM, Video Marketing, hiểu các nền tảng thương mại giúp bạn có những nền tảng vững chắc về cách phát triển kênh Affiliate Marketing của mình. Ngoài ra, học thêm về cách xây dựng, sử dụng mạng xã hội, website, Email Marketing sẽ giúp công việc của bạn có kết quả tốt hơn.
Kỹ năng sáng tạo nội dung
Nội dung quyết định rất nhiều đến việc người dùng có hành động mua, click, đăng ký trên kênh của bạn, vậy nên kỹ năng sáng tạo nội dung là rất cần thiết. Thậm chí, sáng tạo nội dung tốt còn quyết định bạn có nhiều khán giả, có được người dùng quan tâm và tin những điều bạn chia sẻ. Liên tục trau dồi và tìm kiếm ý tưởng cho ra nội dung hay, ý nghĩa và hữu dụng cho người xem là cách tốt nhất để thu hút và giữ chân khán giả của bạn.
Kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân
Bạn nên xác định thị trường ngách để tiếp thị để giảm sự cạnh tranh và xây dựng thương hiệu bản thân bền vững. Từ đó, sử dụng một hay nhiều nền tảng để tiếp cận nhiều người với mục đích gia tăng lượng tương tác và tạo niềm tin. Bên cạnh đó, bạn cần duy trì tương tác trên các kênh mạng xã hội một cách nhất quán. Mạng xã hội giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện lượt truy cập, lượt tương tác, lượt tiếp cận đối với các kênh Affiliate Marketing. Việc bạn duy trì tương tác trên các kênh mạng xã hội đảm bảo rằng nhiều người sẽ nhìn thấy kênh của bạn hơn.