TIN TỨC » Kiến thức

Ngành học cần 10.000 nhân lực mỗi năm, thu nhập 60 triệu đồng/tháng, được Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí

Thứ tư, 18/12/2024 14:54

Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất ngành này; đồng thời sẽ tạo ra 145.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Thị trường chip bán dẫn thế giới dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Vì vậy, đến năm 2030 cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á; trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cần ít nhất 50.000 kỹ sư (gấp 10 lần con số hiện nay) vào năm 2030. Như vậy, để đáp ứng nguồn nhân lực và tạo chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, nước ta cần đào tạo 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 145.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Mức lương trung bình của một kỹ sư Việt Nam khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Khi tham gia vào công đoạn thiết kế, đội ngũ kỹ sư nhận mức lương khá cao so với thu nhập bình quân của Việt Nam. Theo khảo sát, mức lương trung bình của một kỹ sư Việt Nam khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Về công tác đào tạo, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Các trường đại học hàng đầu về khoa học, kỹ thuật như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM,… là những cơ sở đang có sẵn những chuyên ngành trong lĩnh vực bán dẫn hoặc cận bán dẫn như trên, các bạn học sinh hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Do đó, những ai có nhu cầu tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực bán dẫn hoàn toàn có thể lựa chọn học tập bậc cao học tại đây.

Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch 1758 triển khai hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Kế hoạch nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thời gian để triển khai quyết liệt, thực chất bảo đảm thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Theo Bộ, trường đại học có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, tăng cường hợp tác để sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và được tuyển dụng ngay sau khi ra trường. Ngoài ra, các trường cần ưu tiên cử giảng viên đi học tiến sĩ; thu hút chuyên gia nước ngoài về làm việc; nghiên cứu thành lập trường, khoa... chuyên đào tạo và nghiên cứ về bán dẫn.

Thị trường bán dẫn tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Trong năm 2025, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các cơ chế chính sách như miễn, giảm học phí và học bổng cho học sinh, sinh viên theo các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn, cả trong và ngoài nước.

Từ năm 2025 đến 2030, Bộ triển khai chương trình tài năng phục vụ ngành bán dẫn tại các trường đại học, ưu tiên nguồn lực và ngân sách nhà nước hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và đạo tạo sau đại học gắn với sản phẩm vi mạch bán dẫn. Các ứng viên học chuyên ngành bán dẫn tại nước ngoài sẽ được ưu tiên cấp học bổng từ ngân sách nhà nước, bao gồm học bổng Hiệp định Chính phủ và các đề án liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các tập đoàn lớn và quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.

Đồng thời, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài và người Việt Nam tại Việt Nam để nâng cao chất lượng đạo tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn. Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này thực hiện theo các quy định, hướng dẫn có liên quan đối với Chiến lược 1018 và Chương trình 1017.

Mặc khác, tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới