Tảo mộ cuối năm không đơn thuần là hành động chăm sóc nơi an nghỉ của người đã khuất, mà còn là lời nhắc nhở về cội nguồn, về công ơn sinh thành dưỡng dục. Câu tục ngữ "Con chim tìm tổ, con người tìm tông" đã khắc họa sâu sắc ý nghĩa của việc hướng về quê hương, tìm về cội nguồn, nhất là vào dịp Tết đến xuân về. Tảo mộ cuối năm chính là dịp để con cháu từ khắp nơi tụ họp, quây quần bên gia đình, cùng nhau tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
Đi tảo mộ ngày nào là đẹp nhất dịp cuối năm?
Thời điểm thích hợp cho tảo mộ cuối năm
Khác với những nghi lễ mang tính khuôn mẫu, thời gian tảo mộ cuối năm khá linh hoạt, không có quy định cụ thể, mà chủ yếu dựa vào tấm lòng và sự sắp xếp của mỗi gia đình. Thông thường, các gia đình sẽ tiến hành tảo mộ sau ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến chiều 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng thiếu). Do vậy, năm 2025, thời gian tảo mộ sẽ rơi vào khoảng từ 23 tháng Chạp đến 29 Tết.
Ngoài ra, một số gia đình cũng lựa chọn tiết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) để thực hiện việc tảo mộ. Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng tiết Thanh minh cũng đã trở thành một phần trong văn hóa Việt Nam. Vào thời điểm này, tiết trời thường mát mẻ, thích hợp cho việc dọn dẹp, tu sửa mộ phần, đồng thời cũng là dịp để mọi người hòa mình vào thiên nhiên.
Chuẩn bị lễ vật cho tảo mộ
Việc chuẩn bị lễ vật cho tảo mộ cũng là một phần quan trọng thể hiện sự thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Các gia đình có thể lựa chọn lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo điều kiện và quan niệm riêng. Tuy nhiên, dù là lễ nào thì cũng không thể thiếu những lễ vật cơ bản như: đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, hương và quả.
Đối với lễ chay, gia đình nên chuẩn bị thêm bánh trái, gạo, muối, bỏng, chén mật, xôi chè, bơ. Lễ mặn thì có thể bổ sung thêm chân giò, gà luộc, rượu thịt hoặc khoanh giò. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, lòng biết ơn của con cháu khi dâng lễ lên tổ tiên.
Tảo mộ cuối năm không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là một hành động mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự biết ơn và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, dù cả năm bôn ba nơi xa, nhiều gia đình vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian để về quê tảo mộ, vừa để tưởng nhớ người đã khuất, vừa là dịp để gia đình sum vầy, ôn lại những chuyện đã qua.
Nhiều gia đình còn xem đây là dịp để giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm, cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ được bình an, may mắn. Tục tảo mộ cuối năm chính là một nét đẹp văn hóa cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.
*Bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm