TIN TỨC » Kiến thức

Nghề nuôi con vật ngoe nguẩy như sâu, một tháng kiếm 20 - 50 triệu đồng ở Phú Thọ nhưng không phải ai cũng dám làm

Thứ năm, 11/07/2024 09:34

Nuôi tằm lá sắn là một nghề phụ của người dân Phú Thọ trong lúc nông nhàn nhưng lại giúp bà con đem lại nguồn thu nhập lớn và ổn định.

Nếu như các tỉnh khác việc nuôi tằm bằng lá dâu để lấy tơ dệt lụa khá phổ biến thì ở Phú Thọ lại khác. Người dân nuôi tằm bằng lá sắn để lấy thịt. Loại tằm này giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho).

Hình ảnh thu hoạch con tằm lá sắn khi chín được chia sẻ trên các diễn đàn gây xôn xao.

Đa phần đều sợ hãi trước con vật này, thậm chí "suýt ngất", trong khi đó với một số người dân gốc Phú Thọ thì đây lại là đặc sản quê hương.

Theo đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm ngậy, tính ấm, được dùng làm thuốc bổ thần kinh, dành cho người ăn ngủ kém, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, cơ thể suy nhược… Đặc biệt với dân sành ăn, tằm lá sắn là món đặc sản được chế biến bằng cách luộc hoặc rang lá chanh. Với sự phát triển của công nghệ số, ngày càng có nhiều người thành phố biết đến và đặt mua tằm lá sắn thông qua các nền tảng mạng xã hội khiến món ăn này trở này ngày càng trở nên phổ biến.

Nghề nuôi tằm giúp nông dân có khoản thu nhập ổn định vì không mất tiền mua thức ăn, quy trình nuôi lại đơn giản và giống ngắn ngày. Từ giai đoạn trứng đến khi thu hoạch, khi toàn bộ cơ thể con tằm sẽ ngả sang màu vàng, chất thải trong cơ thể được đào thải sạch sẽ để chuẩn bị bước vào giai đoạn nhả tơ chỉ khoảng hơn 20 ngày.

Theo chia sẻ của anh Trí -Trưởng Làng nghề sản xuất trứng tằm ăn lá sắn Thống Nhất (trú tại khu Thống Nhất, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Vòng đời phát triển của con tằm từ khi còn là trứng cho đến lúc 'chín' khoảng 20 ngày. Khi tằm 'chín', người nuôi sẽ cho tằm làm kén rồi xâu chỉ thành chuỗi dài. Sau 20 ngày con tằm vào tổ, cuốn kén, nở thành con ngài. Tiếp đó, con ngài được đưa vào trong buồng tối để ghép đôi "hôn phối", cắt cánh. Lúc này, con ngài cái đã "thụ thai" sẽ đậu vào những thanh ngang trong khu vực nuôi riêng để đẻ trứng. Nhiều công đoạn là thế nhưng quá trình cho thu trứng tằm, mỗi lứa chỉ diễn ra trong 3 ngày…".

"Tằm rất nhạy cảm, chỉ cần rửa tay bằng xà phòng không kỹ, bốc lá sắn cho ăn là chết. Đi đám ma về mà không thay quần áo vào cho ăn cũng chết.

Cái màn phun thuốc muỗi từ 5 - 7 năm trước, đã giặt đi giặt lại nhiều lần rồi mà cắt ra để cho ngài (con tằm đã hóa thành bướm) đẻ là chúng cũng rụng hết", anh Trí nói thêm.

Với nhiều người, khi nhìn những con giống như "sâu" bò lúc nhúc thì không phải ai cũng có can đảm để làm.

Năm 2018, làng nghề nuôi và sản xuất trứng tằm Thống Nhất (xã Đồng Lương) được công nhận với 11 hộ sản xuất trứng, 26 hộ nuôi tằm, hiện còn 7 hộ sản xuất trứng nhưng số hộ nuôi tằm lại tăng lên 150.

Tằm sau khi chín sẽ được bắt vào những chiếc chậu hoặc để vào túi lưới để ở nơi khô thoáng.

Vụ tằm giống kéo dài 7 - 8 tháng của năm, mỗi gia đình trung bình sản xuất được 500 kg trứng nên 7 cơ sở sẽ được 3,5 tấn, nhân với giá trung bình 8 triệu đồng/kg là xấp xỉ 30 tỉ đồng. Sản xuất tằm làm thực phẩm của làng nghề cũng khoảng 7 - 8 tháng của năm, mỗi ngày xuất 1,5 tấn, bán trung bình 80.000đ/kg là xấp xỉ 30 tỉ đồng nữa. Có những hộ thu nhập từ nghề nuôi tằm thực phẩm đạt tới 200 - 300 triệu đồng/năm như nhà Bích - Tới, Nhất - Hảo…, trong đó tỷ lệ lợi nhuận khoảng 80%.

Món tằm luộc chấm mắm gừng hay rang lá chanh rất được ưa chuộng.

Với 1 lạng trứng tằm giá khoảng 1 triệu đồng, sau hơn 20 ngày nuôi nấng có thể thu về hơn 100kg tằm thịt. Giá tằm thịt dao động trong khoảng 70.000 - 120.000 đồng/kg. Trừ đi các chi phí, mỗi lứa thu về 50 - 70 triệu đồng”.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới