Vào ngày 3/10/2017, chiếc bát này đã được giới thiệu tại phiên đấu giá đồ cổ ở Trung Quốc. Nó có niên đại khoảng năm 960 - 1127, được làm từ men rạn Ru guanyao - tại một trong năm lò gốm lớn nhất dưới thời Tống. Lối men rạn này được thực hiện khi các đồ gốm được kéo ra từ lò lửa với mức độ nhiệt khác nhau gây ra các vết men nứt trong quá trình làm mát.
Chiếc bát 1000 năm tuổi được được chế tạo từ triều đại nhà Tống, trị giá 37,7 triệu USD (hơn 924 tỷ đồng)
Được biết, chiếc bát gốm cổ 1000 năm tuổi có hình bông hoa, đường kính 13cm và có màu men sáng màu xanh lam. Theo một số nguồn tin, chiếc bát được dùng để rửa bút lông, một vật dụng bằng gốm điển hình của Trung Quốc và cực kỳ hiếm hoi từ hoàng tộc của triều đại nhà Tống.
Tại buổi đấu giá, chiếc bát được một nhà đấu giá ẩn danh qua điện thoại mua với giá 37,7 triệu USD (hơn 924 tỷ đồng), phá vỡ kỷ lục đấu giá đồ gốm cổ Trung Quốc. Mặc dù sở hữu chiếc bát đắt nhất thế giới nhưng người mua vẫn quyết định giấu danh tính vì không muốn gặp phải những phiền phức ngoài dự tính.
Bên cạnh đó, tại Trung Quốc còn có rất nhiều chiếc bát cổ có giá trị “khủng” được giới chuyên môn đánh giá cao. Nổi bật là chiếc bát họa tiết chim én thời Càn Long có trị giá hơn 25 triệu USD (hơn 613 tỷ đồng).
Theo đó, chiếc bát mang họa tiết hoa hạnh, cây liễu và chim én, ngụ ý mùa xuân rực rỡ, ấm áp, vạn vật có đôi. Mặt còn lại của bát là hai câu thơ: “Ngọc tiễn xuyên hoa quá, nghê thường đới nguyệt quy” (Chim én bay xuyên hoa, xiêm y của tiên nữ đưa trăng về).
Chiếc bát áp dụng kỹ thuật Pháp lang thái - thuộc hàng đồ sứ đẳng cấp nhất thời Thanh. Sứ Pháp lang thái bắt nguồn từ thời Khang Hy, chuyên dùng cho hoàng đế, thành viên hoàng thất chiêm ngưỡng. Chi phí chế tác cao, sản lượng thấp, ngay cả đại thần cũng hiếm khi được ban thưởng. Đồ sứ Pháp lang thái chủ yếu nằm trong các bảo tàng lớn, số lượng tư nhân sở hữu báu vật chỉ đếm trên đầu ngón tay.