Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất tăng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc cao nhất 750.000 đồng từ ngày 1/7/2024.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng là 360.000 đồng/tháng. Tiền trợ cấp xã hội được tính bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội nhân với hệ số mà đối tượng được hưởng.
Tăng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc cao nhất 750.000 đồng từ ngày 1/7/2024. (Ảnh minh họa)
Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm:
+ Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chỉnh tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giảo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Người thuộc diện quy định trên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
+ Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
(Ảnh minh họa)
+ Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ, đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại mục hai (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
+ Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
+ Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
+ Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các mục (một), (ba) và (sáu) đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (đây là một quy định mới).
+ Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Những người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng có thể được tăng đến 50% từ ngày 1/7/2024
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng vẫn còn thấp, mới chỉ hỗ trợ một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Từ thực tiễn đó, Bộ đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp trình lên Chính phủ. Cụ thể:
(Ảnh minh họa)
+ Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.
"Với phương án này thì số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, thì năm 2024 ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng", ông Thanh cho hay.
+ Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, thì tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Hiện phương án đề xuất tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.