TIN TỨC » Kiến thức

Người này có thể giúp Tào Tháo thống nhất thiên hạ nhưng lại bị nghi ngờ và đề phòng, cuối cùng trở thành kẻ chiến thắng lớn nhất trong Tam Quốc!

Thứ hai, 03/06/2024 08:30

Tư Mã Ý là một trong những mưu sĩ quan trọng của Tào Tháo, là một chính trị gia và mưu lược gia có tiếng thời kì Tam Quốc, cũng là người đặt nền móng cho triều đại Tây Tấn của Trung Quốc.

Trong số những mưu sĩ thuộc giai đoạn cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc, Tư Mã Ý được xem là một nhân vật gây ra rất nhiều tranh cãi.

Tư Mã Ý (179 - 251) tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, nhà quân sự phục vụ nước Tào Ngụy thời kỳ Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn thay thế nhà Nguỵ. Tư Mã Ý, người đã thành công trong việc sử dụng sự kiên nhẫn, quyền mưu, trí tuệ và tàn nhẫn để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đấu tranh quyền lực ở Tam Quốc.

Tư Mã Ý nổi tiếng là người biết nhẫn nhịn, chờ thời cơ (Ảnh minh họa)

Tư Mã ý túc trí đa mưu, từng hiến rất nhiều diệu kế cho Tào Tháo, chẳng hạn như khi Quan Vũ công vây Tương Dương Phàn Thành, uy trấn Hoa Hạ, Tào Tháo bị dọa sợ từng có ý định dời đô, nhưng lúc này, Tư Mã Ý đã can ngăn, cho rằng Tôn Quyền và Lưu Bị ngoài mặt là thân nhau (anh vợ em rể), nhưng bên trong không hòa thuận muốn thôn tính nhau và Tôn Quyền sẽ trở mặt đánh Quan Vũ, đồng thời kiến nghị Tào Tháo liên kết với Tôn Quyền, đánh úp Quan Vũ, cuối cùng dẫn tới thất bại và cái chết của Quan Vũ, giải vây được cho Phàn Thành. Có thể nói, mưu lược của Tư Mã Ý có thể sánh ngang được với Tuân Úc, Quách Gia hay Giả Hủ.

Có thể nói, chính Tư Mã Ý đã giúp nhà Tào Ngụy giữ vững vị thế thời Tam quốc. Ông cũng được coi là người có công trong việc lập đồn điền, làm thủy lợi giúp Tào Ngụy phát triển kinh tế.

Vốn Tư Mã Ý có thể giúp Tào Tháo thống nhất thiên hạ, nhưng lại bị nghi ngờ và đề phòng. Tào Tháo mặc dù tin dùng Tư Mã Ý nhưng vẫn luôn cảnh giác. Sau khi nhận ra Tư Mã Ý có "tướng lang cố", lại mơ thấy ba con ngựa cùng ăn một máng nên Tào Tháo luôn tỏ ra nghi kỵ.

Sở dĩ Tào Tháo không giết Tư Mã Ý ngay khi ông còn sống vì lúc bấy giờ Tư Mã Ý chỉ giữ chức quan nhỏ, đồng thời không nắm binh quyền nên căn bản không mấy đe dọa đến Tào gia. Hơn nữa, Tư Mã Ý lại là kẻ khéo léo che giấu dã tâm, luôn tỏ ra trung thành và hết lòng vì Tào Tháo và gia tộc họ Tào.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trước khi qua đời, Tào Tháo lại cẩn thận dặn dò con trai là Tào Phi rằng: "Tư Mã Ý không phải loại người chịu là bề tôi, tất sẽ can dự vào việc nhà ta".

Thế nhưng, Tào Phi và Tư Mã Ý lại có mối quan hệ tốt. Chính Tư Mã Ý là người có công phò tá Tào Phi giành chiến thắng trong cuộc chiến thừa kế. Bất chấp việc bị nghi ngờ và thiếu sự tin tưởng từ Tào Tháo, Tư Mã Ý đã khéo léo giấu diếm tham vọng và bản chất của mình, qua đó dần dần chiếm được lòng tin và có được một vị trí cao trong chính trường xưa.

Tư Mã Ý được coi là đối thủ lớn nhất đời của Gia Cát Lượng (Ảnh minh họa)

Thật không ngờ, Tư Mã Ý cả đời ẩn nhẫn phục vụ cho 3 thế hệ của Tào gia, gồm Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, đến cuối đời mới thực sự bộc lộ dã tâm quyền lực. Theo đó, Tư Mã Ý đã thực hiện một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249.

Ở tuổi 70, Tư Mã Ý nắm đại quyền của Tào Ngụy, từ đó chuyển giao quyền lực cho hai con là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu, đồng thời tạo tiền đề cho cháu nội là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn, thống nhất giang sơn và chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.

(Ảnh minh họa)

Có ý kiến cho rằng, vị mưu sĩ họ Tư Mã này vốn là một bậc đại trí giỏi ẩn nhẫn và có biệt tài tùy cơ ứng biến. Quan điểm khác lại nhận định, ông thực chất là một "gian hùng" có nhiều quỷ kế đa đoan.

Thế nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, dù cho Tư Mã Ý có mang bản chất thế nào thì ông vẫn trở thành người chiến thắng sau cùng, còn cơ nghiệp của hết thảy các nhân vật nổi danh trước đó đều trở thành bước đệm trên con đường thống nhất Tam quốc của gia tộc Tư Mã.

Tiếc rằng, dù Tào Tháo từ sớm đã nhìn ra dã tâm của Tư Mã Ý, nhưng lại không diệt trừ con người này, cuối cùng để lại mầm họa khiến nhà Ngụy diệt vong.

(Ảnh minh họa)

Tư Mã Ý không chỉ là một nhân vật lịch sử, ông còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, tầm nhìn xa, và khả năng chiến lược mà mọi nhà lãnh đạo cần phải có. Thành công của ông chứng minh rằng đôi khi, sự kiên nhẫn và khả năng giấu giếm tham vọng có thể là chìa khóa để đạt được quyền lực và thành công lâu dài.

Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới