Khi trò chuyện với những người lớn tuổi ở nông thôn Trung Quốc, đôi khi tôi nghe được nhiều điều về cuộc sống. Vài ngày trước, khi đang nói chuyện với một lão nông, chúng tôi tình cờ nhắc đến má lúm đồng tiền của phụ nữ. Ông lão này liền nói: “Ở quê ta có một câu tục ngữ rằng nữ có má lúm, tiền kiếp và kiếp này đều đầy nước mắt. Những cô gái có má lúm đồng tiền thường là người nặng tình, nên nhất định phải đối xử tốt với họ!”.
Câu nói của người ở quê: "Con gái có lúm đồng tiền kiếp trước, kiếp này rơi nước mắt" (Ảnh minh hoạ)
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao lại vậy? Những cô gái có má lúm đồng tiền đều nặng tình và cả tiền kiếp, kiếp này họ đều đầy nước mắt sao? Sao lại vậy nhỉ?”.
Lão nông đáp: “Chuyện này khá phức tạp đấy! Nếu cháu muốn nghe, thì để ta từ từ kể cho mà nghe”. Tôi gật đầu, thể hiện ý muốn nghe ông kể chi tiết.
Theo lời tâm sự của ông lão, khi một người qua đời, linh hồn của họ phải đi qua đường Hoàng Tuyền, nơi đó nở đầy hoa bỉ ngạn, chỉ có hoa mà không có lá, hoa và lá suốt đời không gặp nhau. Do vẻ đẹp kỳ lạ của bỉ ngạn, có một số linh hồn sẽ dừng lại ngắm nhìn, khiến cho họ bị lạc so với các linh hồn khác.
Cuối đường Hoàng Tuyền có con sông Vong Xuyên, bắc ngang là cây cầu Nại Hà. Trên cầu có bà lão tên là Mạnh Bà canh giữ, mỗi linh hồn đi qua đây đều phải uống bát canh của bà. Khi uống bát canh đó, họ sẽ quên hết mọi vướng bận của kiếp này để bước vào vòng luân hồi mới, hoặc thành tiên, hoặc thành người, hoặc thành súc vật.
(Ảnh minh hoạ)
Những linh hồn bị lạc vì ngắm hoa bỉ ngạn, khi tới cầu Nại Hà thường đã muộn, trên cầu chỉ còn lại mình Mạnh Bà mà không có linh hồn nào khác. Những linh hồn đến muộn này sẽ khẩn cầu Mạnh Bà cho phép họ không uống bát canh lãng quên. Thấy không có ai chứng kiến, Mạnh Bà đồng ý, nhưng bà đánh dấu lên gương mặt của họ, và dấu ấn đó chính là má lúm đồng tiền khi họ được đầu thai.
Dù Mạnh Bà đồng ý để những linh hồn này không uống bát canh quên lãng, nhưng bà bắt họ nhảy xuống sông Vong Xuyên, bơi qua sông để đến bờ bên kia. Linh hồn phải vật lộn dưới dòng nước suốt ngàn năm mới có thể tái sinh. Một khi họ được đầu thai, họ vẫn giữ ký ức tiền kiếp và mang theo dấu ấn của Mạnh Bà, tiếp tục tìm kiếm người yêu của mình từ kiếp trước. Nhưng tìm lại người yêu cũ không dễ dàng vì họ có thể đã trải qua nhiều lần luân hồi hoặc đã trở thành tiên hay súc vật. Bởi vậy, những cô gái có má lúm đồng tiền thường là người nặng tình, cả đời mải miết tìm kiếm và đôi khi rơi lệ vì thương nhớ.
(Ảnh minh hoạ)
Nghe xong lời giải thích của ông lão, tôi mới hiểu ý nghĩa câu nói này. Dù không phải là “tác phẩm” của Mạnh Bà, nhưng câu chuyện trong dân gian thật thú vị và đáng để lắng nghe.
Tuy nhiên, theo tôi, nhận định này chỉ là sự tưởng tượng của mọi người và không có cơ sở. Theo các chuyên gia y tế, lúm đồng tiền tự nhiên chủ yếu là do khiếm khuyết cơ ở má. Đó không phải là “kiệt tác” của bà Mạnh. Tuy nhiên, ở nông thôn có câu nói như vậy thì nghe cũng khá thú vị!
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo