TIN TỨC » Kiến thức

Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, không phải ai cũng biết

Thứ ba, 08/03/2022 09:11

Hơn một thế kỷ qua, 8/3 trở thành Ngày Quốc tế phụ nữ, tuy nhiên không nhiều người biết nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của ngày này.

Nguồn gốc ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX.

Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt tại thành phố New York (Mỹ) đứng dậy đấu tranh đòi cải thiện điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân trong một hãng dệt tại Mỹ thành lập công đoàn đầu tiên và giành được một số quyền lợi.

Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.

Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch, các đại biểu đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người đã đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ thế giới với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Liên Hợp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong Năm Quốc tế Phụ nữ 1975. Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8/3 là Ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.

Như vậy, ngày 8/3 hằng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Tại Việt Nam, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của toàn bộ dân tộc. Từ những nữ dân quân tự vệ, những cô gái mở đường tự nguyện tham gia cách mạng, các bà, các mẹ, các chị gia tăng sản xuất phục vụ kháng chiến. Đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để quân ta có cơ hội chiến thắng.

Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ và Bác đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng nhất. Ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam.

Ý nghĩa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Để thể hiện sự tôn vinh phụ nữ, một nửa thế giới, ngày 8/3 thường được tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Đây cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc, yêu thương với người phụ nữ mà họ yêu quý.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Vừa tham gia lao động, sáng tạo, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước và gia đình. Họ cũng là người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và góp phần quan trọng nhất nuôi dạy trẻ thành người. Phụ nữ ngày càng khẳng định họ là phái đẹp chứ không phải là phái yếu như định kiến trước đây.

Ở một số nước trên thế giới, 8/3 được coi là ngày lễ lớn, đàn ông thường tặng hoa và quà cho những người phụ nữ quan trọng trong đời họ như mẹ, vợ, bạn gái…

Tại một số quốc gia, Ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng hoạt động liên hoan, meating, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới ở các khía cạnh thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, hay điều kiện an sinh xã hội, đấu tranh chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ…

Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới