Đã thành lệ, cứ tới dịp Tết Trung thu – Tết Đoàn viên, người người nhà nhà lại mua hay tự làm những chiếc bánh Trung thu nhỏ nhỏ xinh xinh. Bánh Trung thu trở thành một thứ quà không thể thiếu trong nhà mỗi dịp này, đây cũng là nét đẹp phong tục truyền thống trong Tết Trung thu đất Việt.
Nguồn gốc bánh Trung Thu
Bánh Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc và sau đó được truyền bá rộng rãi đến Việt Nam. Theo truyền thuyết, vào cuối thời Nguyên, trong 1 cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo, để có thể truyền thông tin và mệnh lệnh một cách bí mật, người dân đã làm ra những chiếc bánh hình tròn, bên trong có nhét thêm một tờ giấy có ghi thời gian để khởi nghĩa bắt đầu là lúc trăng sáng nhất, tức là vào Rằm tháng 8.
Sau đó những chiếc bánh này được người ta truyền đi khắp nơi và trở thành một phương tiện liên lạc an toàn lại vô cùng hiệu quả. Cũng từ chiếc bánh mà tin tức về cuộc khởi nghĩa đã được lan rộng nhanh chóng khắp nơi.
Từ đó người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện ấy.
Ý nghĩa của bánh Trung Thu truyền thống
Bánh Trung thu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, qua sự giao thoa văn hóa, nó được truyền bá đến Việt Nam. Rằm tháng 8 – Tết Trung thu sắp đến, có lẽ mọi người chẳng ai quên mua những chiếc bánh Trung thu về nhà, trước là để dâng lên cúng bàn thờ tiên tổ, sau là cả nhà cùng nhau thưởng thức, đón đêm trăng Rằm. Ngày này cũng được coi là ngày lễ truyền thống lớn trong văn hóa Việt.
Bánh Trung thu cũng được mọi người đem tặng, biếu nhau dịp này, với ý muốn cầu chúc cho đối phương được mọi điều tốt lành, cuộc sống tròn đầy viên mãn. Chiếc bánh tuy nhỏ nhưng là món ăn, món quà có giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu.
Người Việt Nam trong ngày này có bánh Trung thu được chia làm hai loại: bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo có màu trắng tinh khôi bởi bột nếp trắng nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, nhân à hạt sen và đậu xanh nghiền, mang đậm phong vị của đất nước Việt Nam – đất nước nông nghiệp truyền thống.
Bánh nướng có đôi chút khác khi vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men, trộn cùng trứng gà và chút rượu trắng. Nhân là đậu xanh hay khoai môn, hạt sen sên đường, bọc lấy lòng đỏ trứng muối. Xưa các cụ chỉ làm bánh nhân thập cẩm với đủ loại nhân như dăm bông, thịt lợn, dừa, hạt dưa, bí đao… Ngày nay thì lựa chọn phong phú hơn nhiều, ai cũng có thể chọn cho mình loại nhân bánh ưa thích.
Bánh Trung thu có hình tròn, là biểu tượng của sự tròn đầy, viên mãn, cũng thể hiện hình dáng của vầng trăng trong đêm Rằm tháng 8. Bánh có vỏ bao bọc lấy phần nhân, như tình cảm gia đình gắn bó khăng khít, đùm bọc nhau qua mọi khó khăn trong cuộc sống, mang đậm nét “đoàn viên gia đình”.
Những đứa con xa quê, dù có đi đâu về đâu nhưng Tết Trung thu đến cũng không nguôi nỗi nhớ nhà. Ai nấy đều cố gắng sắp xếp công việc để có thể về đoàn tụ cùng người thân, gia đình, trao nhau những hộp bánh ngọt ngào mang hương vị quê hương, cầu chúc cho cuộc sống hạnh phúc và chan chứa tình yêu.