TIN TỨC » Kiến thức

Nguồn gốc và ý nghĩa của những chiếc bánh Trung thu không phải ai cũng biết

Thứ năm, 01/10/2020 10:20

Vốn là biểu tượng của ngày tết Trung thu nhưng không phải ai cũng biết trọn vẹn ý nghĩa của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo.

Được diễn ra vào rằm tháng tám âm lịch, tết Trung thu là một trong những lễ hội lớn tại các nước châu Á đặc biệt là Việt Nam. Tết trung thu được coi là ngày tết của trẻ em và còn có những tên gọi rất đặc biệt khác như tết trông trăng hay tết hoa đăng.

Ở Việt Nam, vào ngày tết Trung thu mọi người sẽ bày mâm ngũ quả và quây quần bên nhau cùng ngắm trăng, trò truyện. Trẻ em sẽ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, rước đèn dưới ánh trăng. Ngoài ra, các hoạt động hấp dẫn như múa lân, múa rồng, hát trống quân sôi động cũng được các bạn nhỏ và cả người lớn rất yêu thích.

Nguồn gốc bánh Trung thu

Tết Trung thu được đón ở nhiều người châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó, tương truyền rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Hai vị này đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại sự thống trị tàn bạo. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những chiếc bánh hình tròn, trong những chiếc bánh này đều có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm Rằm tháng 8 Âm lịch.

Sau đó những chiếc bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc vừa an toàn lại vừa hiệu quả. Cũng từ chiếc bánh mà tin tức hô hào khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi. Về sau người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện ấy.

Đó là ở Trung Quốc, còn tổ tiên người Việt chúng ta khi xưa đều là thuần nông nên cứ đến ngày Rằm tháng 8 là các nông dân đều mở tiệc ăn mừng vụ mùa bội thu. Để cảm ơn trời đất thì bánh Trung thu nước ta thường được làm với hình tròn hoặc hình vuông thay cho lời cảm ơn của những người nông dân đến trời đất và thiên nhiên đã ban cho họ một vụ mùa thuận lợi và tốt đẹp.

Về sau này, Rằm tháng 8 dần trở thành Tết đoàn viên để mọi người tặng nhau những chiếc bánh với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn.

Ý nghĩa của bánh Trung thu ngày nay

Với nguồn gốc lịch sử như trên, nhắc đến bánh Trung thu, ta có thể nhớ ngay đến đây là loại bánh được sử dụng vào dịp trăng tròn tháng 8 với ý nghĩa thể hiện cho sự đoàn viên, sum họp, dù là những người con xa quê hương hay đang tất bật với công việc thì vào ngày Rằm tháng 8 sẽ đều hướng về gia đình.

Vào dịp lễ Trung thu, ta có thể nhận thấy hai loại bánh Trung thu phổ biến tại Việt Nam đó là bánh dẻo và bánh nướng. Hình dáng và nhân bánh đều mang những ý nghĩa khác nhau. Bánh dẻo và bánh nướng đều bao gồm hai phần là vỏ bánh và nhân bánh. Trong đó:

• Ý nghĩa về nhân bánh:

- Bánh dẻo được tạo ra từ bột nếp cùng với nước đường và nước hoa bưởi với mùi thơm ngọt dịu. Nhân bánh dẻo thường có vị ngọt và thường sử dụng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn, đại diện cho sự ngọt ngào, tinh khiết.

- Bánh nướng được tạo ra từ bột mì lên men trộn với trứng cùng chút rượu và nhân đa dạng từ truyền thống đến các nguyên liệu như đậu xanh, khoai môn tán nhuyễn bọc lấy lòng đỏ trứng muối. Bánh nướng truyền thống thường có vị mặn và nó đại diện cho những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống của mỗi người.

• Ý nghĩa về hình dáng:

- Bánh hình tròn thể hiện cho hình dáng của vầng trăng trong ngày Trung thu, là sự tròn đầy, tinh khiết và là biểu tượng cho sự đoàn viên, viên mãn.

- Bánh hình vuông thể hiện hình dáng trời đất, là sự tự do và là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống.

Ngày nay, hình dáng và nhân bánh có thể được thay đổi đa dạng, không theo những khuôn mẫu truyền thống. Tuy nhiên, bánh Trung thu vẫn mang ý nghĩa là loại bánh đại diện cho sự đoàn viên, sum họp, tình thân gia đình và là loại bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Trung thu của người Việt Nam.

Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới