TIN TỨC » Kiến thức

Nhà 'chuồng cọp' là gì? Tại sao xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm không thoát được vì 'chuồng cọp' nhưng nhiều gia đình không dỡ bỏ?

Thứ hai, 17/06/2024 10:43

Thời gian qua, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà dân kiểu chuồng cọp, gây thiệt hại lớn về cả tài sản lẫn con người. Nhưng tại sao kiểu nhà này vẫn tồn tại, bất chấp những cảnh báo?

Theo cảnh sát phòng cháy chữa cháy, những ngôi nhà có "chuồng cọp" càng được gia công kiên cố thì khi xảy ra cháy nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.

Vậy hiểu "nhà chuồng cọp" là gì?

“Chuồng cọp” là từ lóng để chỉ những ngôi nhà có gắn lồng sắt bao quanh ban công với công dụng chống trộm. Với các căn hộ chung cư (cũ) là diện tích cơi nới thêm để tiện sinh hoạt cho chủ nhà. Với những nhà chung cư (cũ) thì “chuồng cọp” là diện tích mà chủ nhà có thể tận dụng để được nhiều vật dụng nhưng những ngôi nhà cao tầng thì nó lại là phương tiện để chống trộm.

Nhiều gia đình làm sẵn sàng chi tiền làm "chuồng cọp", lắp camera với mục đích để chống trộm (Ảnh minh họa).

Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho hay, các vụ cháy lớn thiệt hại về người có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở nhà dân xây dựng theo dạng nhà hình ống, tập thể cũ, nhà mặt phố kết hợp kinh doanh có gia cố bằng lưới cùng lồng sắt bảo vệ. Khi có sự cố, ngọn lửa dễ lan ra toàn bộ ngôi nhà theo chiều hút khói lên tầng mái. Cầu thang bộ duy nhất gần như không thể sử dụng thoát nạn, thoát hiểm vì khói độc đen đặc. Lối thoát khu vực ban công, mặt tiền nhà cũng trở nên khó khăn do người dân quây kín chuồng cọp, lồng sắt.

(Ảnh minh họa)

Nhà "chuồng cọp" cần trang bị sẵn búa, rìu, kìm cộng lực

Để tránh những sự việc đáng tiếc, đau lòng liên quan đến cháy nổ xảy ra, Bộ Công an đã đưa ra những khuyến cáo để người dân áp dụng.

Theo đó, các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết.

Các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, khi bốc cháy có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.

Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm, người dân cần bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu, kìm cộng lực nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để có thể di chuyển tới nơi an toàn.

(Ảnh minh họa)

Những gia đình có lồng sắt quây kín nói riêng và mọi hộ gia đình nói chung cần trang bị kiến thức, kỹ năng, trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi phát hiện đám cháy, người dân cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm.

(Ảnh minh họa)

Trường hợp lối thoát cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh, cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như di chuyển ra ngoài ban công, sử dụng thang dây, dây thừng, nối các vật dụng như rèm, ga giường... để thoát xuống dưới nơi an toàn.

Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.

Khi xảy ra cháy, không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh. Trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt.

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới