TIN TỨC » Kiến thức

Những kỹ năng cha mẹ nên dạy con để tránh bị bắt cóc

Thứ bảy, 13/05/2017 12:21

Dưới đây là những điều cha mẹ nên dạy con khi tiếp xúc với người lạ để tránh bị bắt cóc.

Không tiết lộ tên của con

Không viết tên của con lên đồ dùng cá nhân như: cặp sách, hộp cơm trưa hay bình nước. Nếu biết tên con bạn, kẻ xấu sẽ ngay lập tức lấy được lòng tin của trẻ, dẫn tới nhiều tình huống nguy hiểm.

Cách bảo vệ con khỏi bị bắt cóc: Thay vì viết tên con cha mẹ có thể ghi số điện thoại của mình để lấy lại đồ trong trường hợp bị thất lạc.

Hét lên: "Cháu không biết ông ta/ cô ta!"

Cha mẹ cần dặn con, khi bị người lạ túm tay kéo đi, con nên chống cự lại bằng cách: Cắn, đá, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng mọi giá. Ngoài ra, trẻ cũng nên la lớn: "Cháu không quen ông ta/cô ta" để thoát khỏi tình huống nguy hiểm.

Giữ khoảng cách khi nói chuyện với người lạ

Trẻ nên được dạy quy tắc không nói chuyện với người lạ. Nếu cần giao tiếp, con không được kéo dài cuộc nói chuyện quá 5-7 giây, sau đó phải chạy tới địa điểm an toàn. Trong lúc nói chuyện, con luôn phải giữ khoảng cách 2m. Trong trường hợp người lạ cố tiếp cận gần hơn, tốt hơn hết con nên lùi lại. Cha mẹ nên thực hành tình huống đó với con và chỉ cho bé biết khoảng cách 2m là bao xa.

Tránh đi chung thang máy với người lạ

Mẹ hãy dạy bé đứng tựa lưng vào tường trong lúc đợi thang máy. Với tư thế này, con có thể trông thấy ai đó đang tiến đến. Nếu có người lạ hoặc người ít quen biết trong thang máy, trẻ có thể nghĩ ra một lý do nào đó để không vào cùng họ. Con có thể giả vờ quên đồ hoặc chạy lại kiểm tra thùng thư. Trong trường hợp người đó cố tình mời bé vào, con có thể từ chối lịch sự: "Bố mẹ cháu dặn chỉ đi thang máy một mình hoặc với hàng xóm". Mẹ cũng cần dạy con rằng nếu người lạ cố tình dùng sức để kéo bé vào hãy chống trả, hét lên và cắn họ cho tới khi người lớn đến giải cứu.

Chạy xa xe ô tô lạ theo hướng ngược lại

Các bậc phụ huynh nên dạy con không lên xe người lạ, đây là quy tắc quan trọng. Ngoài ra, trẻ cũng nên biết thêm một quy tắc khác: Nếu phát hiện ô tô lạ bám theo và người bên trong đang cố gắng thu hút sự chú ý, con phải chạy thật nhanh theo hướng ngược lại chiều chuyển động của xe. Việc này sẽ giúp con có thời gian để nhờ người xung quanh giúp đỡ.

Đặt mật khẩu gia đình

Nếu ai đó nói với con bạn: "Đi theo cô. Cô sẽ đưa cháu đến chỗ bố và mẹ" thì điều đầu tiên trẻ cần làm là hỏi người lạ: "Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình chúng cháu là gì?". Phụ huynh nên đặt một mã số cho những tình huống khẩn cấp, ví dụ trong trường hợp bạn cần nhờ người quen đón bé (Lưu ý: Hãy đặt một cụm từ nào đó khó đoán).

Cài đặt ứng dụng theo dõi

Những chức năng như định vị GPS cho phép bạn biết vị trí chính xác của con và mức pin còn lại trong điện thoại của bé.

Không để người lạ biết bố mẹ vắng nhà

Khi nghe chuông cửa, trẻ không được cho người lạ biết bố mẹ đi vắng và con đang ở nhà một mình, dù họ có nói là bạn của gia đình hay nhân viên sửa chữa. Nếu người đó vẫn muốn vào, con phải gọi điện thoại cho bố mẹ hoặc hét to để hàng xóm nghe thấy.

Tránh gặp gỡ bạn quen qua mạng

Cảnh báo con bạn rằng trong thế giới ngày nay, tội phạm có thể tìm thấy "con mồi" qua mạng. Trẻ phải nhớ không bao giờ được nói cho người lạ biết số điện thoại, địa chỉ hay tên của mình, cũng không được đăng ảnh cá nhân lên trang kết bạn online. Con cũng nên từ chối những lời mời gặp mặt từ bạn bè quen qua mạng.

>> Cách hành xử nguy hiểm của trẻ mà cha mẹ không được bỏ qua

Mộc Lan (Theo Giadinhvietnam.com)