TIN TỨC » Kiến thức

Những phương thức xét tuyển đại học phổ biến nhất hiện nay, lựa chọn kiểu nào cho phù hợp?

Thứ tư, 10/07/2024 10:27

Các phụ huynh cần nắm rõ những phương thức xét tuyển ĐH phổ biến để sớm định hướng cho con mình có cánh cửa rộng mở hơn thi đỗ vào các trường top đầu.

Ngày nay, các phương thức xét tuyển của các trường đại học được đánh giá là rất đa dạng. Việc ồ ạt chạy theo trào lưu, hay ôm đồm cùng lúc nhiều phương thức mà không lường được khả năng bản thân sẽ tăng áp lực không đáng có cho thí sinh. Vì vậy, nắm vững các phương thức xét tuyển ĐH hiện nay sẽ giúp các em quyết định đúng hướng thi và đăng ký cho mình.

Xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Phương thức xét tuyển đại học dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT được hầu hết tất cả các trường sử dụng, với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn. Cụ thể, thí sinh tham dự kỳ thi sẽ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi, các trường đại học sẽ áp dụng quy định và chỉ tiêu đã đề ra để xác định mức điểm sàn. Thí sinh đạt đủ yêu cầu sẽ nộp hồ sơ đăng ký. Mức điểm trúng tuyển được công bố sau khi đăng ký kết thúc và phụ thuộc vào chỉ tiêu ngành đã được quy định.

Tuỳ vào từng ngành học và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường sẽ đưa ra tổ hợp môn xét tuyển và mức điểm chuẩn khác nhau.

Phương thức xét tuyển đại học chính, thí sinh và phụ huynh nên tham khảo (Ảnh minh họa).

Xét học bạ THPT

Trong những năm gần đây, phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học và học sinh lựa chọn làm phương án xét tuyển. Tùy thuộc vào từng trường, tiêu chí xét tuyển có thể khác nhau. Tuy nhiên, theo Thông tư của Bộ GD&ĐT có hai điều kiện chính thường được đưa ra khi đăng ký xét tuyển qua học bạ như sau:

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

Điểm của từng môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt ít nhất 6.0 điểm.

Hiện có 5 cách thức phổ biến nhất khi xét tuyển đại học qua học bạ:

Xét tuyển dựa trên điểm trung bình môn của lớp 12.

Xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của tất cả 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.

Xét tuyển dựa trên điểm trung bình tổng kết môn của 6 học kỳ từ lớp 10 đến lớp 12.

Xét tuyển dựa trên điểm trung bình tổng kết của 5 kỳ, bao gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

Xét tuyển dựa trên điểm trung bình của từng môn trong từng tổ hợp xét tuyển.

Một số trường top đầu sử dụng phương thức xét tuyển học bạ ví dụ như: Học viện Ngoại giao, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Vinh, Khoa Quốc tế (Đại học Huế), trường Đại học Tài chính - Marketing.

Xét tuyển Đại học bằng bài thi Đánh giá năng lực

Một số trường đại học sẽ có các bài thi riêng để đánh giá năng lực thí sinh, cụ thể như: kỳ thi đánh giá năng lực (đại học Quốc gia TPHCM, đại học Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của trường đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của đại học Sư phạm TPHCM.

Ví dụ:

Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM là kỳ thi riêng do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM được nhiều trường đại học phía Nam sử dụng làm căn cứ làm một trong các phương thức xét tuyển Đại học.

(Ảnh minh họa)

Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được dùng làm căn cứ xét tuyển đại học của nhiều trường trên toàn quốc. Danh sách một số trường dùng điểm của bài thi đánh giá tư duy xét tuyển cụ thể như:

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của đại học Sư phạm TPHCM: kỳ thi này được tổ chức lần đầu vào năm 2021, và năm 2023, tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh này. Kỳ thi được tổ chức có 6 bài thi tương ứng các môn học: toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.

Xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên

Bộ Giáo dục và một số trường có quy định xét tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên riêng. Dưới đây là những đối tượng xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên tiêu biểu nhất:

Xét tuyển thẳng

Các thí sinh triệu tập tham gia dự thi kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia Olympic quốc tế, đội tuyển quốc gia dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đoạt giải Nhất, Nhì, Ba các môn văn hoá trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp quốc gia.

Các thí sinh nằm trong quy định xét tuyển thẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT;

Thí sinh trúng tuyển vào các trường nhưng có lệnh điều đi nghĩa vụ quân sự, hoặc thanh niên xung phong, nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được cấp trung đoàn giới thiệu, có đủ tiêu chí về sức khoẻ thì được xem xét nhận vào trường.

(Ảnh minh họa)

Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKXT theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Xét tuyển ưu tiên

Những thí sinh thuộc diện xét tuyển ưu tiên, phải tốt nghiệp THPT, đáp ứng các tiêu chí ĐBCLĐV do Bộ GD&ĐT quy định và đoạt giải kỳ thi chọn HSGQG và cuộc thi KHKT cấp quốc gia không sử dụng quyền xét tuyển thẳng, được ưu tiên cộng thêm điểm vào tổng điểm xét tuyển của tổ hợp đăng ký xét tuyển. Cụ thể, như sau:

Giải Nhất được cộng 2 điểm.

Giải Nhì được cộng 1,5 điểm.

Giải Ba được cộng 1,0 điểm.

Giải Khuyến khích được cộng 0,5 điểm.

Xét tuyển học lực kết hợp với phỏng vấn

Đây là hình thức xét tuyển các thí sinh có học lực khá, giỏi, đủ điều kiện tham gia thêm buổi phỏng vấn của trường tổ chức. Hiện nay, một số trường kết hợp phương thức xét tuyển này đó là Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa - ĐH QG HCM. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Ngân Hàng TPHCM, …

Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT

Với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL,… và điểm tốt nghiệp đạt yêu cầu của trường, sẽ đồng thời xét tuyển theo diện kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp.

Phương thức xét tuyển Đại học dựa theo kết quả các kỳ thi quốc tế

Với các thí sinh tham gia kỳ thi quốc tế: Olympic Khoa học trẻ quốc tế, kỳ thi Advanced Placement, Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, Olympic Toán Quốc tế, Olympic Tin học Quốc tế, đạt kết quả sẽ được xét tuyển vào một số trường đại học. Cụ thể các trường đại học xét tuyển đối với thí sinh có kết quả các kỳ thi quốc tế là: đại học Ngoại thương, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TPHCM,… và rất nhiều trường đại học ở miền Bắc và miền Nam.

Phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi THPT, học bạ và môn năng khiếu

Các thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển này sẽ phải kết hợp căn cứ kết quả thi THPT, điểm học bạ và vượt qua bài thi môn năng khiếu. Một số trường tổ chức bài thi năng khiếu, xét tuyển theo hình thức này là: trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học Kiến trúc, …

(Ảnh minh họa)

Lưu ý khi lựa chọn phương thức xét tuyển Đại học

Tìm hiểu kỹ về các hình thức xét tuyển

Đứng giữa vô vàn hình thức xét tuyển đại học như vậy, các bạn thí sinh cũng như phụ huynh cần cân nhắc, lưu ý tìm hiểu kỹ khi lựa chọn hình thức xét tuyển. Bởi mỗi phương thức xét tuyển sẽ có những ngưỡng chất lượng, yêu cầu và cách thức khác nhau. Bạn cần nắm rõ những yêu cầu, tiêu chí, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức đó. Dành thời gian nghiên cứu thật kỹ, đồng thời tự đánh giá về mức độ khả thi khi lựa chọn phương thức xét tuyển để đảm bảo kết quả tốt nhất, tránh trường hợp "tay trắng" khi chọn sai.

Tận dụng tối đa những thế mạnh của mình

Dựa vào những kết quả học lực của bản thân, các chứng chỉ mà mình có, các thế mạnh mà mình nổi trội làm tiêu chí đầu tiên chọn phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, hãy biết đâu là phương thức phù hợp, và vừa tầm, có cơ hội trúng tuyển cao vào ngành, trường mà bạn các bạn mong muốn.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới