Lãnh thổ Việt Nam nằm trên chỗ giao nhau giữa hai vành đai kiến tạo và sinh khoáng lớn nhất là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, đồng thời nằm trên địa điểm tiếp giáp của đại lục Gorwana và Lauraxia và trên bản lề của mảng đại dương Paxtie với mảng lục địa Âu - Á nên có mặt hầu hết các khoáng sản quan trọng trên Trái Đất. Việt Nam là nước giàu khoáng sản đứng thứ 7 trên thế giới.
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi giàu tài nguyên khoáng sản nhất Việt Nam.
Việt Nam còn có các mỏ khoáng sản rất giá trị trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện nay, nước ta đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau, có một số loại khoáng sản quy mô trữ lớn, trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi tập trung nhiều nhất. Khu vực này có các khoáng sản chính như than, sắt, chì – kẽm, thiếc, đồng, apatit…
Loại khoáng sản có trữ lượng lớn nhất phải kể đến than đá. Than đá tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh, phổ biến nhất là Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Nó được biết đến với biệt danh “vàng đen” vì từng là nguyên liệu quan trọng của công nghiệp năng lượng.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh từng cho biết, trữ lượng than đá ở tỉnh này khoảng 3,6 tỷ tấn. Hàng năm, Quảng Ninh cho phép khai thác khoảng 30 – 40 triệu tấn than đá. Đây là nơi khai thác than đá chính của nước ta.
Ngoài ra, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn là nơi có nhiều đất hiếm, loại khoáng sản cực kỳ quý giá. Hiệp hội Địa chất Mỹ (USGS) cho biết cả Việt Nam có 22 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.
Được biết, đất hiếm là khoáng sản của giá trị kinh tế rất lớn. Nó chứa các nguyên tố được dùng trong sản xuất hợp kim đặc biệt, sản xuất thủy tinh, thiết bị điện tử hiệu suất cao. Đặc biệt, trong đất hiếm có nguyên tử dùng trong chế tạo nam châm vĩnh cửu và phục vụ công nghiệp quốc phòng.