TIN TỨC » Kiến thức

NSƯT Vũ Mạnh Dũng bị anh vợ sát hại: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý người 'ngáo đá'

Thứ tư, 19/02/2020 17:36

Tác hại của ma túy đá khiến nhiều người vô tội bỗng dưng trở thành nạn nhân của kẻ ngáo đá. Tình trạng lạm dụng loại ma túy này ngày càng tăng mạnh, gây ra nhiều vụ thảm án thời gian gần đây.

Ma túy đá có tên khoa học là Amphetamin hoặc các dạng của nó là Methamphetamine và Amphetamine, là một trong những chất gây nghiện nguy hiểm nhất được biết đến hiện nay trên thế giới. Người sử dụng, người nghiện thường xuyên bị ảo giác, dễ dẫn đến những hành động mất kiểm soát, hay còn gọi là “ngáo đá” và gây ra tai họa khôn lường cho xã hội như: giết người, đánh nhau, bạo dâm...

Dấu hiệu của người bị "ngáo đá"

Theo các chuyên gia, người bị "ngáo đá" sẽ có những hành động kỳ quặc như: Đốt túi nilon cho nóng chảy rồi nhỏ lên cơ thể; tự chặt ngón chân hoặc ngón tay của mình… do sau khi sử dụng ma túy đá, người sử dụng thường bị ảo thanh. Vì vậy, họ thường có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, những biểu hiện để bạn có thể nhận biết người thân có sử dụng ma túy đá: Không cần ngủ, không cần ăn. Đây là triệu chứng hay gặp nhất sau khi dùng ma túy đá, người dùng thường không thiết ăn uống, mất ngủ trắng đêm. Thậm chí hết đêm này đến đêm khác làm suy nhược thần kinh ở mức độ nặng, bộ mặt bơ phờ nhớn nhác, ngáo ngơ, mất tập trung; Cáu bẳn, dễ bị kích động: Sau một thời gian hưng phấn cao độ do ma túy “đá” mang lại, người sử dụng thường rơi vào trạng thái trầm cảm. Biểu hiện là sự cáu bẳn, rất dễ bị kích động, giảm khả năng kiềm chế. Người mệt mỏi rã rời, vẻ mặt buồn rầu, đờ đẫn, thường nằm lì trong phòng không chịu giao tiếp.

Đối với trường hợp sử dụng nhiều và thường xuyên thì người nghiện có nhiều thay đổi bất thường như đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam…

Cách xử lý an toàn khi bị đối tượng "ngáo đá" khống chế

TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tội phạm học chia sẻ, trường hợp bất ngờ bị đối tượng khống chế, không kịp chạy thoát, chống trả, cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng, phải trấn tĩnh không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích.

Ảnh minh họa

Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải nhẹ nhàng hỏi han xem đối tượng có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì. Lúc này nên quan tâm đến đối tượng nhiều hơn, không nên cầu xin đối tượng tha cho mình, mà cần hỏi han về đối tượng, để đối tượng tâm sự, nói ra yêu cầu, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu.

Nếu nhận thấy có cơ hội có thể chắc chắn thoát ra được, không gây nguy hiểm với bản thân mới chống trả để thoát thân hoặc không chế đối tượng, ngược lại khi nhận thấy không an toàn tuyệt đối không nên có hành vi chống trả hoặc bỏ chạy.

Nếu người thân bị đối tượng “ngáo đá” khống chế là trẻ em, trong trường hợp này thông thường nạn nhân là trẻ em sẽ khóc thét, vùng vẫy làm cho đối tượng càng trở nên mất bình tĩnh dễ dẫn đến hành vi manh động. Do đó, người thân đi cùng với trẻ em cần phải bình tĩnh, một mặt năn nỉ xin đối tượng đừng làm hại con em mình, sẵn sàng làm con tin thay cho con em.

Khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu của đối tượng, xoa dịu đối tượng, tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế đối tượng.

MrBO (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới