TIN TỨC » Kiến thức

Ở Việt Nam có một căn nhà đơn sơ nhưng chứa 'báu vật' hơn 24 cây vàng, đó là gì?

Thứ hai, 04/11/2024 15:34

Báu vật này được chủ nhân ngôi nhà lưu giữ suốt hai thập kỷ qua. Dù nhiều người trả giá cao nhưng ông quyết không bán.

Ông Nguyễn Văn Chẳng (65 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) sở hữu một căn nhà cấp bốn đặc biệt.

Nếu nhìn ở bên ngoài, căn nhà chẳng có gì khác với các căn nhà cấp bốn thời xưa, thậm chí khá đơn sơ.

Nhưng bên trong có cả trăm món đồ cổ, bao gồm: men sứ, đèn, đồng tiền, hộp thuốc rê, bàn, tủ được cẩn xà cừ tinh tế, bắt mắt. Món đồ đặc biệt và thuộc hàng đắt đỏ nhất được chủ nhân coi như "báu vật" có lẽ là chiếc long sàng (giường ngủ) có giá 200 triệu.

Ông Chẳng kể: “Hơn 20 năm trước, tôi nghe người ta kêu bán chiếc long sàng từng là sở hữu của gia đình ông Hương Cả ở Bến Tre. Chiếc long sàng này có kiểu dáng giống với 2 chiếc giường 'trái cực' của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Tôi đi xe đến nơi xem thì mê chiếc giường này. Sau một thời gian 'kì kèo', họ đồng ý bán chiếc giường cho tôi với giá 200 triệu đồng. Để có tiền mua được chiếc giường, hồi đó tôi phải bán mấy nghìn giạ lúa”. Tính theo giá vàng ngày 25/10/2004 ở mức 814,000 VND/chỉ. Thì với 200 triệu của ông Chẳng khi đó mua được khoảng (245 chỉ vàng, khoảng hơn 24 cây vàng).

Căn nhà cấp bốn của ông Chẳng (Vĩnh Long).

Chiếc giường lạnh được ông Chẳng mua cách đây hơn 20 năm, từ một gia đình giàu có ở Bến Tre với giá 200 triệu đồng.

Chiếc giường lạnh được nhiều người ngỏ ý mua lại với giá 600 triệu đồng, nhưng ông Chẳng chưa nghĩ đến việc bán đi.

Giá trị của căn nhà nằm ở những món đồ cổ được chủ nhân lưu giữ.

Theo lời kể của ông thì mối duyên này bắt đầu từ năm ông 31 tuổi. Nhà ông khi đó nhiều vật dụng thời xưa nhưng theo thời gian chúng hư hỏng dần. Quá tiếc những món đồ này nên ông Chẳng tự tay dán sửa, lâu dần thành nghiền rồi đam mê. Ông tâm niệm về đồ cổ: "Nó là thứ bỏ đi của người này, nhưng lại là tài sản vô giá của người kia". Mỗi món đồ ở đây đều gắn với một "tiểu sử" thú vị mà chỉ có người chủ tâm huyết như ông mới có thể nói ra vanh vách.

Những món đồ của ông chỉ mua chứ không bán bởi mục đích sưu tầm đồ cổ của ông Chẳng là tìm hiểu về giá trị, văn hóa, con người qua các giai đoạn lịch sử. Hiện tại ông chưa có điều kiện lập bảo tàng tư nhân nhưng vẫn mở cửa để cho mọi người đến tham quan, nghiên cứu. Ngôi nhà của ông rất nổi tiếng ở miền Tây, một khu nghỉ dưỡng lớn ở TP Cần Thơ thường xuyên dắt khách ngoại quốc đến nhà ông Chẳng để thăm cổ vật và thưởng thức đặc sản bưởi năm roi.

Rất nhiều đồ cổ như khay rượu, khay trầu, bình, nhạo, tiền xưa… cùng những bộ bàn ghế xưa được ông lưu giữ mới toanh, trưng bày phục vụ du khách.

Khoảng đầu năm 2022 đến nay, căn nhà cổ của ông Chẳng trở thành địa điểm tham quan của đông đảo du khách quốc tế. Hiện, mỗi tháng nhà ông tiếp đón gần 100 khách tham quan. Khách đến không chỉ nghe ông kể những câu chuyện về cổ vật mà còn được tự tay hái và mang về những loại trái cây đặc sản ngay tại khu vườn rộng gần 15 ha của ông.

Nhờ lối kể lý thú và sức hấp dẫn của cổ vật, nhiều du khách nước ngoài đã bị cuốn hút qua hành trình khám phá. Về nước, họ gửi thư, bưu ảnh đến ông Chẳng, bày tỏ tình cảm với ông. Họ cảm phục trước niềm đam mê cổ vật Nam bộ của ông.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới