Ở nhiều làng quê, hình ảnh những tòa lâu đài, biệt thự mọc lên san sát nhau khiến ai chứng kiến cũng phải sửng sốt và gọi bằng cái tên "làng tỷ phú". Việc phất lên nhanh chóng có thể do được đền bù đất, buôn đồng nát, kinh doanh phát đạt và có nhiều lý do khác...
Ví dụ điển hình như làng Cương Gián, thuộc xã Xuân Liên, Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trước vốn là những làng chài nghèo ven biển, cái đói cứ đeo bám người dân nơi đây. Người dân quanh năm lam lũ với con thuyền, tấm lưới. Thời tiết nơi này vô cùng khắc nghiệt, mùa hè những cơn gió Lào thổi như muốn thiêu rụi mọi thứ, mùa đông lại hanh hao đến nứt toác gót bàn chân. Ngoài nghề chài lưới, người dân Cương Gián chẳng thể trông mong gì ở những thửa ruộng mênh mông cát trắng.
Làng chài từng nghèo xơ xác nay mọc lên loạt biệt thự tiền tỷ.
Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vốn là những làng chài nghèo ven biển nhưng gần đây, các xã này được mệnh danh là làng tỷ phú nhờ xuất ngoại.
Nhưng giờ đây về làng, một bộ mặt hoàn toàn khác đang thay thế dần những căn nhà tồi tàn cấp 4 năm nào, biệt thự mọc lên san sát, đường xá khang trang, xe cộ xế hộp sang trọng chạy khắp đường, cửa hàng, tiệm ăn, dịch vụ giải trí có mặt khắp mọi nẻo đường… Cứ đi 2,3 bước chân là lại thấy những ngôi biệt thự khang trang, bề thế, những chiếc xe hơi ra vào tấp nập.
Đi giữa làng cứ ngỡ đang ở trung tâm của thành phố, đô thị đông đúc, nhà cửa, lối sống đều mang hơi hướng “kiểu Tây”. Cương Gián có 15 thôn, thôn nào cũng giàu có và có rất nhiều tỷ phú, đại gia. Từ những hộ nông dân chân đất, hàng chục gia đình tại Cương gián đã vươn lên tầm tỷ phú. Người ta còn đồn ở làng Cương Gián chỉ “dùng tiền đô, không dùng tiền Việt”.
Làng chài ngày ấy đã lột xác ngoạn mục nhờ những đồng ngoại tệ được gửi về từ nước ngoài cùng những người con nơi đây đi xuất khẩu lao động nơi xứ người. Khoảng đầu những năm 1990, nhóm 5 thanh niên “tiên phong” của làng Cương Gián rời Việt Nam sang Hàn Quốc lập nghiệp. Sau đó không lâu, nhiều thanh niên các xã này bắt đầu đi lao động ở Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia… Mọi việc thuận lợi, chỉ vài năm sau, nhờ số tiền họ gửi về, các gia đình nhanh chóng khấm khá rồi giàu lên trông thấy. Thấy những người đi nước ngoài ăn nên làm ra, nhiều người cũng đi theo.
Cứ thế, Cương Gián được mệnh danh là làng tỷ phú nhờ có đông đảo người đi lao động nước ngoài. Ông Trần Đức Lâm (Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián) cả xã có khoảng 2.700 người lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Trong số đó, không ít người đã định cư nơi đất khách quê người. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, đặc biệt, có gia đình có tới 9-10 người đi xuất khẩu lao động.
Đường sá khang trang, sạch sẽ bên cạnh là những dãy nhà biệt thự cao tầng được xây dựng bằng tiền người đi xuất khẩu lao động gửi về.
Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng liên xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Trính từng chia sẻ: “Mỗi tháng, trung bình một người gửi về 700 USD, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng”. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 21% (năm 2011) xuống còn 4,5% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân (xấp xỉ 37 triệu đồng).
Nhờ đi xuất khẩu lao động mà số người có nhà lầu, xe hơi ở Cương Gián tăng nhanh chóng chỉ trong khoảng chục năm trở lại. Chuyện đi nước ngoài như một “cơn bão” dậy sóng ở vùng quê này. Thế nhưng, đằng sau sự giàu sang ấy, nhiều hệ lụy cũng xảy ra từ việc xuất khẩu lao động ở ngôi làng giàu có này.
Khoảng 70% dân số ở trong độ tuổi lao động của xã Cương Gián làm việc tại nước ngoài, đi du học hoặc kiếm sống ở miền Nam. Dân cư sinh sống tại địa phương phần lớn là người già ngoài tuổi lao động và trẻ em. Là làng chài ven biển nhưng nơi đây chỉ còn lác đác vài người cao tuổi đánh bắt gần bờ. Có dịp Tết nhất, người đi xuất khẩu lao động mới về, chỉ tấp nập vui vẻ chẳng được bao lâu thì lại vắng hoe. Thậm chí, nhiều căn nhà cao tầng được xây dựng lên nhưng luôn đóng cửa, không có người sinh sống.
Con cái sinh ra được vài tháng cứng cáp là để cho ông, bà chăm sóc, rồi bố mẹ lên đường làm ăn xa xứ. Những đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà biệt thự tiền tỷ, nhưng thiếu tình thương của bố mẹ. Để bù đắp cho các con, những ông bố, bà mẹ xa quê thường mua sắm rất nhiều thứ như sữa ngoại, đồ chơi ngoại cho con mình.
Là làng chài ven biển nhưng nơi đây chỉ còn lác đác vài người cao tuổi đánh bắt gần bờ. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào tiền người thân đi nước ngoài gửi về.
Chưa kể, theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn xã Cương Gián có khoảng 200 cặp vợ chồng ly hôn, thậm chí, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”. Đáng nói, việc ly hôn không chỉ xảy ra ở lớp trẻ mà cả những cặp vợ chồng trung tuổi, phần lớn họ đều có vợ hoặc chồng khác khi đi nước ngoài về.
“Ngoài những người xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp thì số người đi theo đường dây “chui” chúng tôi không thể thống kê được do họ không báo với chính quyền địa phương. Việc xuất khẩu lao động hợp pháp ở nước ngoài đã thay đổi bộ mặt và mang lại nguồn kinh tế phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hệ lụy phía sau như gia đình tan vỡ, con cái thiếu tình thương và sự chăm lo dạy dỗ của bố mẹ, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng nơi xứ người”, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho hay.