Gỗ sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, xuất hiện ở Việt Nam và là 1 loại gỗ quý hiếm. Đây là loại gỗ thuộc nhóm IA, trong danh sách các loài động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn ở nước ta. Từ xưa tới nay, nhắc gỗ sưa người ta đều nghĩ ngay đến loại gỗ đặc biệt, được Nhà nước nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại.
Gỗ sưa thuộc nhóm IA, trong danh sách các loài động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn ở nước ta.
Cây sưa thuộc giống cây nhỡ có lá rụng theo mùa, chiều cao của cây sưa khá khiêm tốn chỉ từ 6-12m, một số cây trưởng thành có thể cao lên tới 15m và có vỏ màu vàng nâu hoặc màu xám, vỏ cây sẽ bị nứt theo chiều dọc khi cây đạt độ tuổi trưởng thành. Tán của cây sưa khá thưa, có hoa màu trắng khá thơm với các cành non lá màu xanh, trên bề mặt lá có lông mịn và thưa. Cây sưa là giống cây ưa ánh sáng, thích hợp trồng ở những nơi đất thịt, sâu và có độ ẩm cao.
Sưa được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, thường có ở rừng mưa nhiệt đới gió mùa và rừng mưa nhiệt đới. Loại gỗ này có mùi thơm dễ chịu, thân có văn hoa đẹp mắt, gỗ có thớ mịn vô cùng đặc biệt.
Sưa được chia thành 2 loại chính là sưa đỏ và sưa trắng, ngoài ra còn có sưa vàng. Người ta căn cứ theo màu hoa cũng như màu của lõi gỗ để phân biệt các loại sưa. Nếu như sưa trắng cho hoa trắng, quả to, đốt lên không ngửi thấy mùi thì sưa đỏ lại có mùi thối khi tiếp xúc với lửa. Vì vậy, loại sưa này còn được gọi là sưa trắc thối, thường được dùng với nhiều mục đích khác nhau.
Vân gỗ sưa đỏ được coi là đẹp nhất, thuộc hàng đệ nhất vân, kết hợp với màu đỏ bã trầu của gỗ ở cả 4 mặt của bề mặt nên các sản phẩm làm từ gỗ Sưa đỏ đều được coi là cực phẩm (lưu ý vân gỗ sưa trắng chỉ có ở 2 mặt). Với những cây gỗ sưa đỏ lâu năm bên trong vân gỗ thi thoảng bạn sẽ thấy có màu đen và nếu đem ra ánh sáng còn óng ánh 7 màu sắc khác nhau.
Người ta thường trưng dụng sưa đỏ để làm hương liệu, nội thất hoặc dược liệu. Vì độ quý hiếm và giá trị kinh tế cao, đây là loại gỗ không phải ai cũng có được. Theo chuyên gia, gỗ sưa có vân gỗ đẹp, không bị mối mọt đặc biệt lại có mùi hương vĩnh hằng nên nhiều người quan niệm chúng có thể tránh tà ma, xua đuổi bệnh tật. Đây cũng được xem là loại gỗ “quý tộc”. Trước kia ở Trung Quốc, chỉ có những gia đình vua chúa, quyền thế mới được thưởng các đồ dùng làm từ gỗ này.
Chính vì ý nghĩa đó mà ngày nay gỗ sưa cũng được các đại gia Trung Quốc ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, một cây gỗ sưa phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng. Do mức độ ít ỏi, quý hiếm nên gỗ sưa có giá rất cao, một cây gỗ sưa có thể được trả giá cả chục tỷ đồng.
Vào thời kỳ “sốt” của thị trường gỗ sưa. Một kg gỗ sưa khi đó có giá là 30 triệu/kg, tương đương một cây gỗ sưa cổ thụ có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.
Do có giá trị về mặt kinh tế, là loại cây quý hiếm trong tự nhiên nên hiện nay gỗ sưa đang ngày càng khan hiếm và rất dễ mất trộm. Ở một số nơi, để bảo vệ cây người ta phải cử người túc trực, cuốn dây thép gai. Gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đang thử nghiệm việc nhân rộng diện tích trồng gỗ sưa tự nhiên.