Ngành học quản lý chất lượng
Trong bối cảnh các doanh nghiệp không ngừng cải tiến sản phẩm và dịch vụ, ngành quản lý chất lượng đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đây là lĩnh vực chuyên về định hướng và kiểm soát các yếu tố liên quan đến chất lượng, bao gồm xây dựng chính sách, đặt mục tiêu, quản lý, kiểm tra và liên tục nâng cao chất lượng ở mọi giai đoạn.
Học ngành quản lý chất lượng không lo thất nghiệp (Ảnh minh họa)
Ngành quản lý chất lượng hiện diện rộng khắp trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và loại hình tổ chức, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, thậm chí cả những tổ chức không tham gia thị trường quốc tế. Triết lý cốt lõi của ngành là “làm việc đúng cách” và “làm đúng công việc”, nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng ngay từ bước khởi đầu và duy trì xuyên suốt quá trình hoạt động.
Không dừng lại ở đó, ngành quản lý chất lượng còn mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực như tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro. Trong thực tế, kiểm soát chất lượng không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phương án ứng phó linh hoạt với rủi ro, nhằm đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn và giữ vững niềm tin nơi khách hàng.
Ngày nay, vị trí quản lý chất lượng đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi doanh nghiệp. Vai trò này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê, từ nay đến năm 2031, ngành quản lý chất lượng dự kiến tạo ra khoảng 67.800 cơ hội việc làm, phần lớn nhằm bổ sung cho các vị trí trống do nhân sự chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Mức lương khởi điểm hấp dẫn, điểm chuẩn luôn thuộc top cao
Theo học ngành quản lý chất lượng, sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội đảm nhiệm các vai trò quan trọng như: Nhân viên phân tích quản lý chất lượng; Kỹ thuật viên hiệu chuẩn; Giám sát nhà cung ứng, Kiểm toán viên chất lượng; Kỹ thuật viên chất lượng; Nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào/đầu ra hoặc thậm chí tiến xa hơn trong vai trò quản lý, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
Để tăng khả năng cạnh tranh khi ứng tuyển, sinh viên cần xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, bao gồm các nội dung như: Quản trị chất lượng, kỹ thuật quản lý chất lượng, hệ thống sản xuất tiết kiệm và không lỗi, quản lý tiêu chuẩn quốc tế, cũng như quản trị công nghệ hiện đại.
Ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần trau dồi các kỹ năng thiết yếu như sự tỉ mỉ, khả năng quan sát, kỹ năng giám sát và sử dụng công nghệ. Đồng thời, tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả, cùng sự linh hoạt, sáng tạo sẽ là những điểm cộng lớn trong ngành nghề đầy cạnh tranh này.
Ngành quản lý chất lượng nổi bật với khả năng linh hoạt trong lộ trình phát triển nghề nghiệp. Sinh viên có thể khởi đầu từ những vị trí cơ bản và từng bước vươn lên các vai trò quản lý hoặc trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Đồng thời, ngành này đòi hỏi tinh thần học hỏi không ngừng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ và các tiêu chuẩn mới nhất.
(Ảnh minh họa)
Theo thống kê vào tháng 6/2023, mức thu nhập trung bình của nhân sự quản lý chất lượng tại Mỹ đạt 86.751 USD mỗi năm (khoảng hơn 2,2 tỷ đồng). Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm thường dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng, phụ thuộc vào vị trí công việc, trình độ học vấn và kinh nghiệm. Với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm hoặc làm việc tại các doanh nghiệp quốc tế, thu nhập có thể vượt ngưỡng 50 triệu đồng/tháng.
Nhiều trường đại học uy tín tại Việt Nam hiện đang đào tạo ngành quản lý chất lượng, trong đó có: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế Tài chính TP. HCM và Đại học Kinh tế TP. HCM.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Quản trị chất lượng và Đổi mới tại Đại học Kinh tế Quốc dân là 26,86 điểm. Trong khi đó, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh ngành Quản trị chất lượng giáo dục với điểm chuẩn 20,50 điểm. Tại Đại học Kinh tế TP. HCM, chuyên ngành Quản trị chất lượng thuộc ngành Quản trị kinh doanh có mức điểm trúng tuyển dao động từ 17 đến 25,8 điểm, tùy từng chương trình đào tạo.