Công chúa nhà Thanh được gọi là cách cách. Khi còn sống trong cung, các cách cách nhà Thanh như những bông hoa đầy hương sắc. Họ được ăn ngon mặc đẹp, được học hành đủ lễ nghi, một bước lên xe xuống xe, đầy kẻ hầu người hạ. Nhưng nỗi thống khổ của họ ít ai hiểu được.
Đa số các nàng công chúa đều kết hôn với mục đích chính trị. Các cách cách tuy được sinh ra trong hoàng cung, hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý, khi còn nhỏ được sống trong tình yêu thương, được hầu hạ nâng niu nhưng đến khi trưởng thành xuất giá, các nàng đều phải xa Tử Cấm Thành, xa phụ hoàng, mẫu thân, thậm chí phần lớn đều phải xa quê hương đến nơi đất đất khách, các nàng đều rất cô độc. Các cách cách nhà Thanh phần lớn đều không có con.
Trong thực tế, tất cả các công chúa đều được chăm sóc đặc biệt bởi một bảo mẫu từ khi sinh ra, rất khó để có được sự chăm sóc của mẫu thân.
Người ta vẫn nghĩ các công chúa có cuộc sống xa hoa, đầy đủ và có kẻ hầu người hạ từ khi mới lọt lòng. Vậy nguyên nhân do đâu họ lại thường chết sớm?
Có lẽ họ từ khi sinh ra đã trở thành một trong những ''con tốt thí'' quan trọng trong việc quan hệ chính trị. Họ phải kết hôn rất sớm - thậm chí có người 10 tuổi đã phải lấy chồng. Một cuộc hôn nhân chính trị, kết hôn quá sớm cũng như không có tình yêu giữa hai bên đã tạo nên những số phận cay đắng của các nàng cách cách.
Phò mã sống ở khu sân ngoài của phủ, nếu cách cách không tuyên triệu, phò mã cũng không được phép vào ngủ chung. Mỗi lần tuyên triệu công chúa và phò mã đều phải chi một khoản tiền rất lớn để đút lót bảo mẫu (bà quản gia) mới được gặp nhau. Nếu công chúa không ban tiền cho bảo mẫu, bà ta chắc chắn sẽ tìm cách ngăn cản thậm chí còn dám mắng công chúa không thùy mị nết na, không biết giữ phép tắc, hay là hoang dâm, vô xỉ.
Những nỗi ấm ức này, các cách cách không dám nói ra với ai. Thậm chí kể cả khi vào cung gặp mẹ đẻ hay hoàng thượng cũng không dám kể nỗi ấm ức của mình vì sợ xấu hổ. Chính vì sự chèn ép này mà rất nhiều cách cách đã không có con. Phần lớn các nàng đều sống trong tương tư sầu muộn sinh bệnh mà chết. Nếu công chúa mà chết sớm hơn phò mã thì phò mã sẽ bị đuổi ra khỏi phủ, đồ đạc trong phủ sẽ được chuyển vào cung.
Ngoài ra còn có những nàng công chúa "ế", ngoài nguyên nhân mất sớm thì còn do... không có anh nào chịu nổi. Trên thực tế, cuộc sống chốn hoàng cung của các nàng công chúa Trung Hoa xưa không hề lung linh như trong phim ảnh. Thậm chí, họ còn chịu nhiều bất hạnh hơn thường dân khi không được quyền tự định đoạt số phận, đến hôn nhân cũng bị "đặt đâu ngồi đó", sống đơn lẻ, sầu muộn cả đời.