TIN TỨC » Kiến thức

2 khúc gỗ tồn tại cách đây 500.000 năm được phát hiện, hé lộ điều 'không tưởng' về người tiền sử

Thứ tư, 04/12/2024 05:06

Theo thông tin trên The Guardian, vào năm 2023, dọc sông Kalambo ở Zambia, gần Thác Kalambo cao thứ 2 tại châu Phi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích một công trình bằng gỗ có thể đã tồn tại từ cách đây gần 500.000 năm.

Cấu trúc này bao gồm hai khúc gỗ lớn, trong đó một khúc được rãnh để vừa khít với khúc còn lại, tạo thành một sự liên kết chắc chắn. Về kích thước, khúc phía trên dài khoảng 1,4m với đầu nhọn, trong khi khúc dưới dài khoảng 1,5m. Chúng được tìm thấy trong tình trạng bảo quản tốt, khi chứa đầy nước và được bao quanh bởi lớp trầm tích đất sét. Môi trường không có oxy này đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ các khúc gỗ khỏi sự hư hại theo thời gian, giữ lại dấu vết của quá khứ.

Cấu trúc này bao gồm hai khúc gỗ lớn, trong đó một khúc được rãnh để vừa khít với khúc còn lại (Ảnh: The Guardian)

Đặc biệt, bề mặt gỗ vẫn còn dấu vết đục đẽo bằng công cụ đá, cho thấy rằng những người tiền sử đã sử dụng các công cụ thô sơ nhưng hiệu quả để chế tác và kết nối các khúc gỗ lại với nhau. Điều này vượt xa mục đích sử dụng gỗ đơn thuần như làm công cụ hoặc đốt lửa, mà thể hiện khả năng lập kế hoạch xây dựng phức tạp.

Giả thuyết ban đầu cho rằng cấu trúc này có thể là một phần của lối đi hoặc một bệ nâng dùng để lưu trữ thực phẩm, củi hoặc các vật dụng khác, nhằm tránh bị ngập nước hoặc bảo vệ khỏi động vật hoang dã.

Bề mặt gỗ vẫn còn dấu vết đục đẽo bằng công cụ đá (Ảnh: The Guardian)

Giáo sư Larry Barham, từ Đại học Liverpool, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng đây là bằng chứng cho thấy khả năng tư duy vượt trội và ý thức sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người tiền sử.

Trước đây, người ta tin rằng chỉ những cộng đồng Homo sapiens hoặc nhóm người cận đại mới có khả năng tạo ra các cấu trúc gỗ phức tạp. Tuy nhiên, với niên đại khoảng nửa triệu năm, cấu trúc này cho thấy loài người tiền sử tại khu vực này đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao, đòi hỏi khả năng hợp tác, giao tiếp và có thể cả một hình thức ngôn ngữ sơ khai để hoàn thành công trình.

Được biết, Kalambo từ lâu đã được biết đến là một khu vực có dấu tích khảo cổ quan trọng, nhưng phát hiện trên đã đưa địa điểm này trở thành một trong những mỏ vàng khảo cổ quý giá nhất nhì thế giới.

Tác giả Barham nhấn mạnh, những phát hiện tại Thác Kalambo cho thấy các nhóm người cổ đại, tương tự như người tinh khôn, đã có khả năng thay đổi môi trường xung quanh và sở hữu kỹ năng xây dựng kiến trúc. Việc sử dụng gỗ theo cách này không chỉ chứng minh sự sáng tạo mà còn cho thấy năng lực nhận thức vượt trội của những giống người này, vượt xa những gì mà các nhà khoa học trước đây từng đánh giá chỉ qua công cụ bằng đá.

Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới