TIN TỨC » Kiến thức

Quận Ba Đình được đặt tên theo địa danh của tỉnh nào?

Thứ sáu, 24/05/2024 10:41

Là một quận thuộc Hà Nội, nhưng tên gọi Ba Đình lại xuất phát từ địa danh của một tỉnh tại Việt Nam.

Quận Ba Đình thuộc Hà Nội, nhưng tên gọi này lại xuất phát từ địa danh chiến khu Ba Đình, nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, đây là nơi quân và dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tập hợp lực lượng, ủng hộ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Chiến khu xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê.

Vào mùa mưa, căn cứ trở thành một hòn đảo nhỏ, nổi lên giữa ruộng nước mênh mông, xung quanh là lũy tre dày đặc với hệ thống hào rộng, cắm đầy chông nhọn và lỗ châu mai. Vì mỗi làng trong chiến khu đều có một cái đình, đứng ở đình này có thể quan sát được đình làng khác, nên gọi là chiến khu Ba Đình.

Hiện nay, quận Ba Đình phía Bắc giáp quận Tây Hồ, phía Đông giáp quận Hoàn Kiếm, phía Nam giáp quận Đống Đa, phía Tây giáp quận Cầu Giấy.

Các đơn vị hành chính 14 phường gồm Ngọc Hà, Đội Cấn, Cống Vị, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch, Điện Biên, Thành Công, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vĩnh Phúc.

Quận Ba Đình được đặt tên theo địa danh của tỉnh Thanh Hóa.

Một số di tích, danh thắng không thể bỏ qua khi đến quận Ba Đình:

1. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình.

Trong suốt những năm qua, nơi đây luôn hội tụ đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc về để bày tỏ tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ và quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Bạn bè quốc tế đến đây để được chiêm ngưỡng người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

2. Chùa Một Cột

Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán-Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội.

Chùa được tạo dáng theo kiểu hình vuông, mỗi chiều 3 mét, mái cong, đặt trên một cột đá hình trụ đường kính 1,2m, cao 4m - nên gọi là Chùa Một cột. Phần chính của chùa là hệ thống những thanh gỗ lớn tạo thành khung kiên cố. Nhìn tổng quan ngôi chùa có hình tượng giống một đóa sen mọc lên từ mặt hồ.

3. Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

Di tích này gồm ba tầng đế, thân cột hình trụ và lầu vọng canh bát giác, được xây từ năm 1805 trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, cửa vào còn đề hai chữ “Kỳ Đài.” Toàn bộ Cột cờ có chiều cao 33,4m, kể cả trục treo cờ là trên 41m.

Hình tượng Cột cờ thường được vẽ hoặc in trên nhiều ấn phẩm văn hóa về Hà Nội, trên các món quà lưu niệm được các du khách ưa thích.

4. Hoàng thành Thăng Long

Hoàn thành Thăng Long, hay còn gọi là Thành cổ Hà Nội, mà một di tích lịch sử ẩn chứa rất nhiều chưng tích về một thời kỳ dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Nơi này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của Việt Nam vào năm 2010. Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội.

Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

5. Đền Quán Thánh

Nằm ở ngã tư đường Quán Thánh và Thanh Niên, đền Quán Thánh là một trong “Tứ Trấn” của thành Thăng Long xưa, được xây dựng để bảo vệ kinh đô. Theo vị trí địa lý, Quán Thánh trấn giữ khu vực phía Bắc.

Trải qua các triều đại, đền Quán Thánh đã được trùng tu nhiều lần, nhưng về cơ bản thì không thay đổi nhiều, là một địa điểm tuyệt đẹp để ghé thăm. Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội, ghi dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của ông cha.

6. Vườn Bách Thảo

Vườn Bách Thảo là một công viên cây xanh được thành lập từ những năm đầu người Pháp đến đô hộ tại Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vườn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những thảm thực vật đa dạng, những giống cây quý hiếm, cùng bầu không khí trong lành.

Với diện tích 10ha nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, với cảnh quan thu nhỏ bao gồm cả núi, rừng và hồ nước, đây vẫn là chốn yên bình hiếm có giữa lòng thủ đô tấp nập, là lá phổi xanh của thành phố, nơi những cư dân đô thị tìm đến để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới