Một trong những khu vực là "điểm đen" ùn tắc ở Long Biên, Hà Nội là nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy. Việc này gây ảnh hưởng đến công việc, di chuyển của nhiều người dân, hộ kinh doanh sống ở khu vực này.
Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, đường Vành đai 2 đã gần như thông suốt, mở ra trục giao thông trọng yếu từ Tây Bắc sang phía Đông và Đông Bắc Thủ Đô. Tuy nhiên, đến nay đoạn đường Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy tình trạng tắc đường vẫn xảy ra hàng ngày.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), đến năm 2050, số lượng phương tiện tham gia lưu thông theo hướng Quốc lộ 5 cũ về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên đến 50.232 phương tiện/ngày đêm; Theo hướng đi ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm.
Lưu lượng giao thông qua nút giao Cổ Linh được dự báo tiếp tục tăng cao. Việc xây dựng hầm chui để giải tỏa ùn tắc giao thông là vô cùng quan trọng và cấp bách.
Khu vực dự kiến xây dựng hầm chui Cổ Linh.
Chiều dài hầm được tính toán dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường).
Hầm chui được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy – Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Hồ sơ và thông số thiết kế hầm cùng chức năng sử dụng được yêu cầu như các hầm chui đã đưa vào sử dụng là Lê Văn Lương, Trung Hòa, Thanh Xuân.
Tháng 7/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Dự án đã được phê duyệt với 22 gói thầu, tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng.
Việc Hà Nội xây hầm chui tại khu vực này được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc vào các khung giờ cao điểm. Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.