TIN TỨC » Kiến thức

Rằm tháng Giêng 2024 vào ngày nào? Cúng rằm tháng Giêng giờ nào tốt nhất?

Thứ năm, 22/02/2024 21:41

Rằm tháng Giêng là một trong 2 ngày rằm được coi trọng nhất trong năm, bên cạnh rằm tháng Bảy. Vì thế, dân gian có câu "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng".

Rằm tháng Giêng 2024 là ngày nào?

Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày 15/1 Âm lịch hàng năm. Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn rơi vào thứ Bảy, ngày 24/2/2024 Dương lịch.

Rằm tháng Giêng 2024 rơi vào thứ Bảy, ngày 24/2/2024 Dương lịch.

Ở Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng mang ý nghĩa đặc biệt cầu mong một năm tốt lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Vào ngày này, Phật tử sẽ bái Phật, các gia đình khác cúng thần linh, Thổ công, Thổ địa và nhất là ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn bề trên phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm.

Cúng rằm tháng Giêng giờ nào tốt nhất?

Theo lịch Âm của người phương Đông, rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm. Rằm tháng Giêng hay còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu sẽ bắt đầu từ đêm 14 cho tới hết ngày 15 tháng 1 theo lịch Âm.

Các gia đình thường tổ chức cúng rằm tháng Giêng vào đúng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Thế nhưng, hiện nay do cuộc sống cũng như công việc bận rộn nên không ít gia đình cúng rằm vào ngày 14 Âm lịch. Bởi nếu cúng quá sớm hay quá muộn sẽ khiến lễ cúng mất đi sự linh thiêng.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý tới việc lựa chọn giờ đẹp để dâng mâm cúng rằm tháng Giêng. Ông cha ta quan niệm rằng giờ chính Ngọ tức 12 giờ trưa chính là khung giờ hoàng đạo, đẹp nhất. Đây là thời gian mà Phật sẽ xuống hạ giới, tấm lòng thành của gia chủ sẽ được Phật chứng giám.

Theo thời gian, cuộc sống con người ngày càng bận rộn nên việc cúng bái giản lược đi hơn rất nhiều. Quan trọng nhất chính là lòng thành của gia chủ, không phài là quy củ hay lễ nghi. Cho nên nếu gia đình nào bận rộn, không thể cúng vào giờ Ngọ thì có thể sắp xếp thời gian cúng vào khung giờ khác miễn là trong khoảng thời gian trước 19h ngày rằm tháng Giêng.

Sau đây là khung giờ hoàng đạo ngày 14 tháng Giêng: Giờ Thìn (7h - 9h), giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h). Giờ Hoàng Đạo ngày 15 tháng Giêng: Giờ Thìn (7h - 9h), giờ Ngọ (11h - 13h), giờ Mùi (13h - 15h).

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2024 có những gì?

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cúng rằm tháng Giêng cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Ngày rằm tháng Giêng, mọi người thường làm mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay để cúng thần linh.

Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, điều kiện thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác, tuy nhiên đều thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh.

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng dâng lên gia tiên thường có 4 bát 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng.

Ngoài ra còn các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.

Mâm cỗ mặn không được để chung với lễ vật cúng Phật.

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng

Mâm cỗ chay cúng Phật phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy) và vàng (kim) và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng. Tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi nếu có.

Đặc biệt trong mâm cỗ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới