TIN TỨC » Kiến thức

Rửa thịt gà trực tiếp dưới vòi nước chảy là sai lầm gây họa cho sức khỏe, vậy làm sao cho đúng?

Thứ tư, 07/02/2024 18:19

Thịt gà là món không thể thiếu trong ngày Tết. Thế nhưng việc sơ chế, đặc biệt là rửa thịt gà sao cho đúng cách thì không phải ai cũng biết.

Trong mâm cỗ ngày đầu năm mới bao giờ cũng không thể thiếu một đĩa gà luộc. Người Việt cho rằng thịt gà tượng trưng cho con đường tài lộc hanh thông, ăn thịt gà ngày đầu năm sẽ giúp cả năm no đủ, may mắn.

Một điểm khi sơ chế thịt gà để làm đồ ăn hay cúng giao thừa mà nhiều người ít quan tâm là rửa thực phẩm này sao cho đúng.

Rửa dưới vòi nước chảy được xem là một thao tác rửa mang lại nhiều lợi ích nhằm giúp cho các chất bẩn trôi theo dòng nước chảy thoát khỏi thực phẩm nhanh hơn và dễ dàng hơn. Đặc biệt với các loại rau củ quả thì rửa dưới vòi nước chảy là cách làm vô cùng đúng đắn.

Đừng rửa thịt gà dưới vòi nước chảy.

Nhưng với thịt gà thì sao? Các loại thịt trong quá trình vận chuyển lưu thông có thể bám dính bụi và vi khuẩn nảy sinh trên thực phẩm. Thịt để càng lâu ở chợ càng nhiễm nhiều vi khuẩn.

Việc rửa các loại thịt, mục đích chính là loại bỏ chất bẩn có trong động vật, máu, tiết còn thừa dính vào, một số bụi bẩn và rửa mùi hôi. Còn thực tế vi khuẩn bám trên thịt rất khó rửa bằng nước. Bởi thế rửa thịt gà hay các loại thịt khác dưới vòi nước chảy không có tác dụng như rửa rau.

Để rửa tẩy hôi chúng ta nên cho chúng vào chậu thau có pha muối hoặc giấm hoặc rượu gừng. Việc để chúng dưới vòi nước chảy sẽ làm bắn nước ra khắp nơi phân tán vi khuẩn virus ra xung quanh. Mà vi khuẩn virus trong thịt có thể lây lan nhiễm chéo sang dụng cụ đồ ăn khác gây hại nhiều hơn. Điều đó được gọi là quá trình được gọi là lây nhiễm chéo vi khuẩn trong thực phẩm. Hệ lụy là chúng ta gặp họa hơn lợi.

Cách rửa thịt gà và các loại thịt:

Hãy vặn nước vào chậu, cho thịt vào dùng muối hạt chà xát lên thịt, sau đó nhúng vào nước. Đồ thau nước đó gọn gàng xuống miệng đường ống cống, tránh hiện tượng đỏ tràn lan ra xung quanh hoặc thao tác mạnh làm bắn nước tứ tung. Sau đó cần ngâm cho không bị hôi thịt thì bạn lại vặn nước, cho thêm giấm, hoặc rượu vào ngâm rửa thịt gà.

Nên ngâm thịt gà, xương, thịt trong khoảng 20 phút với nước trên để chúng hết hôi tanh và chất bẩn trong xương có thể tiết vào nước. Sau đó, bạn rửa lại bằng nước lạnh nhiều lần để loại bỏ vi khuẩn. Nhớ là mỗi lần đổ nước đi phải đổ gọn gàng tránh bắn sang đồ khác.

Các dụng cụ chặt, thái, đựng nổi niêu sau khi đựng thịt cần mang đi rửa với nước rửa chén bát có tính khử khuẩn để làm sạch vi khuẩn.

Nếu tay bạn có vết xước thì cần đeo bao tay khi xử lý thịt sống. Ngay cả khi tay bạn hoàn toàn lành lặn thì việc đeo bao tay cũng rất cần thiết trong xử lý thịt. Sau đó rửa sạch bao tay với chất tẩy rửa.

Khi bảo quản, cần để thịt gà sống ở ngăn cuối cùng của tủ lạnh và nhớ bọc kỹ thịt trong túi chuyên dụng hoặc hộp để tránh nhiễm chéo sang thực phẩm khác. Sau khi mua thịt gà sống từ cửa hàng về thì nên cất vào tủ lạnh ngay, tránh để thịt quá lâu ở bên ngoài. Mặc dù nhiệt độ tủ lạnh không đủ để tiêu diệt vi khuẩn Campylobacter nhưng có thể kìm hãm đà sinh sôi của chúng.

Để rã đông gà nhanh bạn có thể thả chúng vào chậu nước hoặc cho vào rã đông trong lò vi sóng hoặc cho muối và giấm lên bề mặt để rã đông nhanh hơn tránh bị vi khuẩn phát triển mạnh.

Thịt gà là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng vì hàm lượng protein cao nên chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn và biến đổi khi ở nhiệt độ thường. Bởi vậy khi mua về nên xử lý chế biến ngay, nếu không phải cất trong tủ bảo quản ngay.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới