TIN TỨC » Kiến thức

Sài Gòn được đổi tên thành TP.HCM khi nào?

Thứ tư, 05/06/2024 08:54

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang đóng vai trò đầu tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên nước thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đặt lại tên cho Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM theo tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nghị quyết nêu: “Xét rằng nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người;

Xét rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại;

Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội, quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

Sài Gòn được đổi tên thành TP.HCM vào năm 1976.

Tính đến nay, thành phố đã gần 50 năm “rực rỡ tên vàng” như câu thơ của Tố Hữu.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng.

Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người).

Cơ cấu kinh tế luôn duy trì tỷ trọng hợp lý, khu vực dịch vụ thường xuyên giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%, vượt chỉ tiêu đề ra là 56% - 58%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24,61%. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là 12,17%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 1.857.204 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).

Không chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, Thành phố còn phát triển đều trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Điển hình như, hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển kinh tế tri thức thông qua tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu…

Vì vậy, số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt tỷ lệ 36,4%. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách để từng bước hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đang trở thành điểm sáng của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước.

Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng được chú trọng; từ năm 2018, Thành phố triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức) tạo ra trung tâm động lực tăng trưởng mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần củng cố vững vàng vai trò đầu tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới