Bão, mưa lũ thường gây ra những trận sạt lở đất kinh hoàng làm thiệt hại lớn về tài sản và con người. Vì vậy, người dân cần nâng cao đề phòng và chống thiệt hại do sạt lở đất.
Ảnh minh họa
Sạt lở đất là gì?
Theo Tổng Cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể và rất khó dự đoán.
Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, thứ nhất là do liên kết cấu trúc trong nền đất bị thay đổi. Cụ thể, liên kết trong cấu trúc đất đá của khu vực đó bị yếu đi do tác động của thời tiết và ngoại cảnh dẫn tới không còn đủ chắc chắn để giữ vững cấu trúc ban đầu.
Thứ hai, do tác động từ môi trường, thời tiết. Mưa lớn kéo dài làm cho lượng nước được tích tụ trong đất tăng lên dẫn tới phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Các mối liên kết giữa đất với đất, giữa đất và rễ cây không đủ bền chắc để có thể giữ được lớp đất đá ở địa hình sườn dốc dẫn đến việc sạt lở.
Thứ ba là tác động từ con người tới môi trường. Con người khai thác gỗ, gây cháy rừng làm mất lớp mùn phủ bề mặt giúp thoát nước cũng như làm yếu liên kết giữa các tầng địa chất với nhau dẫn đến việc sạt lở dễ dàng xảy ra hơn.
Ngoài ra, các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, đào hầm, đào hố cũng góp phần làm yếu đi các lớp liên kết giữa đất và những phần khác nên càng gia tăng nguy cơ sạt lở đất.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết
Một số dấu hiệu có thể nhận biết sớm nguy cơ xảy ra sạt lở đất như: Mưa trong thời gian dài hoặc mưa với cường độ rất lớn trong nhiều giờ; Nước ở sông suối chuyển màu đục, trên mặt nước xuất hiện bọt; Nước chảy ra từ chân sườn dốc, khe, rãnh của sườn dốc mang theo bùn đất. Bên cạnh đó là xuất hiện vết rạn nứt ở bề mặt sườn dốc, bờ sông, suối; Nước chảy mặt trước chân sườn dốc có dấu hiệu bất thường như: trên mặt đất xuất hiện bùn lầy sũng nước, mực nước giếng ở khu vực sạt lở hoặc lân cận đột ngột tăng lên; Mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất ở khối trượt hạ thấp so với xung quanh. Ngoài ra, kết cấu của các công trình xây dựng trên mặt đất bị thay đổi như: cửa bị kẹt không thể đóng, mở; xuất hiện vết nứt trên tường nhà, tường bao; đồ vật trong nhà có hiện tượng rung hoặc dịch chuyển…; hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc dịch chuyển; đường ống nước bị vỡ, máng dẫn nước bị nghiêng, đổ.
Một số dấu hiệu khác như: Xuất hiện vết nứt, hố sụt trên mặt đất ở sân, vườn, lối đi; mặt đất có hiện tượng phồng rộp khi bước lên thấy bùng nhùng, nước ngầm trào lên mặt đất; Cây cối bị nghiêng, gẫy đổ, xuất hiện những âm thanh lạ, tiếng va đập của các tảng đá khi bị dịch chuyển; tiếng động do công trình xây dựng trên mặt đất bị sập, đổ… Khi có những dấu hiệu trên, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh. Các lực lượng địa phương cần theo dõi và tiến hành di dời nếu có nguy cơ lớn, cần bảo vệ tính mạng trước tiên.