TIN TỨC » Kiến thức

Sau khi Hàm Hương qua đời, Càn Long đau buồn đến mức bỏ thiết triều suốt 3 ngày! Hàm Hương đẹp tới mức nào mà được vua nhớ mãi không quên như vậy?

Chủ nhật, 12/05/2024 13:32

Không chỉ nổi tiếng trong phim "Hoàn châu Cách Cách", nhân vật Hàm Hương hay còn gọi là "Hương phi" thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm vào cuối triều Thanh.

Theo các nhà khảo cổ Trung Quốc, đây là người có thật trong lịch sử Trung Quốc. Hình tượng Hàm Hương được cho là lấy nguyên mẫu từ Dung Phi, một trong những sủng phi của vua Càn Long. Sử sách chép rằng, vua Càn Long có hơn 40 phi tần, trong đó có một người dân tộc Hồi chính là Dung Phi.

Nàng Dung Phi được cho là sinh ra trong gia tộc quý tộc Hòa Trác, thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương nên còn gọi là Hòa Trác Thị. Theo truyền thuyết kể lại, ngay từ khi sinh ra thân thể nàng đã tỏa ngát hương thơm giống như một bông hoa vậy. Thế nên, nàng mới được gọi là Yiparhan, nghĩa là hương thơm. Mùi hương này không chỉ làm tăng thêm sự quyến rũ của nàng mà còn được xem như một biểu tượng của sự thuần khiết và nét đẹp không thể chạm tới. Mùi hương được cho là rất thu hút khiến những người xung quanh cảm thấy dễ chịu và thư giãn.

Năm 1760, sau khi dẹp loạn ở Hồi Bộ, Đồ Nhĩ Đô cùng các trợ thủ của mình tới Bắc Kinh, được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu và phong làm Nhất đẳng đại cát. Em gái Đồ Nhĩ Đô khi đó 27 tuổi cũng được vào cung, được phong làm Hòa quý nhân, chính là Hàm Hương. Càn Long sau khi thống nhất Tân Cương liền yêu cầu liên hôn vì mục đích chính trị.

Tương truyền khi Hàm Hương vào cung thì có điềm lành, cây vải phương Nam trồng trong cung năm đó sai hơn 200 quả. Vì vậy, nàng rất được vua xem trọng và yêu thương. Năm thứ ba sau khi nàng vào cung, tức 1762, hoàng thái hậu sắc phong nàng làm Dung tần.

Ngoài dung mạo xinh đẹp và có mùi thơm như hoa, nàng còn được ngưỡng mộ vì tinh thần kiên cường và độc lập. Dù sống trong một môi trường hậu cung phức tạp và đầy rẫy cạm bẫy, nàng vẫn giữ vững lập trường và tinh thần của mình. Theo lời người xưa, trước khi nhận lời làm phi tần của vua Càn Long, Hàm Hương có ra ba điều kiện với sứ giả nhà Thanh. Một là, nàng phải được sống, ăn mặc theo phong tục của người Hồi Cương. Hai là, anh trai sẽ cùng nàng về kinh. Ba là, nếu chết, nàng phải được an táng tại cố hương. Cả 3 yêu cầu trên đều được vua Càn Long dễ dàng chấp thuận.

Năm 1765, vua Càn Long đi thị sát phía nam, mang theo hơn 1.000 người trong hoàng tộc, trong đó có Hàm Hương. Trên đường đi, vua vô cùng sủng ái nàng, tặng nàng hơn 80 loại món ăn. Vẻ đẹp và tình yêu quê hương của Hàm Hương khiến vua càng thêm yêu thương và tín nhiệm nàng. Năm 1768, hoàng thái hậu phong nàng làm Dung phi và tặng nàng quần áo và trang sức triều Mãn Châu.

Hoàng hậu qua đời, vua Càn Long không muốn lại lập hậu. Năm 1775, hoàng quý phi bị ban tội chết, còn mỗi Dung phi là người có địa vị cao nhất trong cung, được vua coi trọng. Năm 1788, Hàm Hương qua đời, hưởng thọ 55 tuổi.

Sau khi nàng qua đời, vua Càn Long giữ lời hứa khi xưa, phái 120 binh sĩ mang nàng về an táng tại quê nhà và chôn cất trong lăng mộ chung của gia đình - lăng Apak Khoja (Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Mộ của Hàm Hương được cho là nằm tách biệt ở phía Đông của khu lăng mộ, bên ngoài có khắc tên nàng bằng cả tiếng Hồi Cương và tiếng Trung.

Đặc biệt hơn nữa là sau khi Dung phi qua đời, Càn Long vô cùng đau lòng, đến mức phải bãi triều 3 ngày. Trong xã hội phong kiến, một hoàng đế vì cái chết của phi tử mà bãi triều 3 ngày - việc này là vô cùng bất thường, chưa từng có tiền lệ dưới thời nhà Thanh. Việc Càn Long bãi thiết triều 3 ngày để tang cho nàng không chỉ là biểu hiện của nỗi buồn mà còn là minh chứng cho tình cảm sâu sắc mà ông dành cho nàng. Dù việc này đã khiến cho văn võ bá quan vô cùng bất mãn, nhưng không thể phủ nhận rằng Hàm Hương đã chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim của Càn Long.

Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới