Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng lâu dài, nhiều người thường chỉ làm sạch phần nồi mà không để ý đến bộ phận phát nhiệt bên trong. Chính sự "quên lãng" này không những làm giảm hiệu suất của nồi mà còn khiến điện năng tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Vì sao nồi cơm điện cũ lại tốn điện?
Khi sử dụng nồi cơm điện trong nhiều năm, bụi bẩn, hơi nước và các mẩu thức ăn nhỏ có thể rơi vào bộ phận phát nhiệt và tích tụ thành những lớp bụi bẩn. Theo thời gian, các lớp bụi này làm cho bộ phận phát nhiệt hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến việc truyền nhiệt không đều. Điều này khiến quá trình nấu cơm chậm hơn, từ đó tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Đồng thời, bụi bẩn và hơi nước tích tụ có thể gây rỉ sét, thậm chí dẫn đến nguy cơ chập điện.
Để cải thiện hiệu suất của nồi cơm điện và tiết kiệm điện năng, việc vệ sinh bộ phận phát nhiệt là một trong những cách đơn giản và hiệu quả.
Cách làm sạch bộ phận phát nhiệt của nồi cơm điện
Để làm sạch bộ phận phát nhiệt, bạn có thể sử dụng các dụng cụ và nguyên liệu đơn giản sau:
Cách 1: Chuẩn bị một miếng bọt biển sạch, một chút cồn và baking soda. Trộn đều cồn và baking soda, sau đó dùng bọt biển thấm hỗn hợp và lau kỹ bộ phận phát nhiệt. Khi đã lau sạch, dùng một miếng vải khô mềm để lau lại một lần nữa cho đến khi bộ phận phát nhiệt hoàn toàn khô ráo. Đặc biệt lưu ý vệ sinh kỹ phần giữa của phát nhiệt, nơi các mẩu gạo nhỏ thường dễ rơi vào.
Cách 2: Sử dụng khăn ẩm lau theo đường vân của bộ phận phát nhiệt. Nếu vết bẩn quá cứng đầu, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng cũ và một ít kem đánh răng để cọ sạch.
Lưu ý: Trước khi tiến hành vệ sinh bộ phận phát nhiệt, cần đảm bảo nồi cơm điện đã được rút khỏi nguồn điện để tránh nguy cơ điện giật.
Vệ sinh nắp và lỗ thoát hơi của nồi cơm điện
Phần nắp và lỗ thoát hơi cũng là những khu vực cần được vệ sinh thường xuyên. Khi nấu cơm hoặc cháo, nước gạo dễ tràn ra, bám vào nắp nồi. Nếu không vệ sinh kịp thời, nước gạo sẽ lên men và gây mùi khó chịu. Cách vệ sinh rất đơn giản: dùng bọt biển thấm dung dịch tẩy rửa nhẹ và lau phần nắp nồi. Nếu nắp nồi được cố định bằng gioăng cao su, bạn có thể tháo ra để lau sạch. Với lỗ thoát hơi, chỉ cần dùng bọt biển thấm giấm trắng và lau nhẹ là đủ. Nếu có những hạt cơm hoặc cặn nhỏ bám chặt bên trong, có thể dùng tăm bông thấm nhẹ để lấy ra.
Làm sạch vỏ nồi và bề mặt bên ngoài
Theo thời gian, bề mặt trắng bên ngoài nồi cơm điện dễ bám bụi bẩn và ố vàng. Để làm sạch, bạn có thể sử dụng bọt biển thấm giấm trắng để lau, hoặc dùng khăn ẩm thấm baking soda hoặc kem đánh răng để cọ sạch những vết bẩn cứng đầu.
Làm sạch vết ố vàng bên ngoài lòng nồi
Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy mặt ngoài của lòng nồi có nhiều vết ố vàng hoặc vết rỉ. Đây là những dấu vết của cặn thức ăn và nước bị bỏ quên khi vệ sinh. Để làm sạch, bạn chỉ cần pha một chút nước ấm với baking soda, nước rửa chén và muối, sau đó dùng bọt biển để cọ rửa lòng nồi. Những vết ố vàng này nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiệt của lòng nồi, dẫn đến hiện tượng cơm chín không đều và hao tổn điện năng.
Lợi ích của việc vệ sinh định kỳ nồi cơm điện
Với những mẹo đơn giản trên, nồi cơm điện không chỉ giữ được hiệu suất tốt nhất mà còn giúp tiết kiệm điện năng và thời gian nấu nướng. Một chiếc nồi cơm điện được vệ sinh sạch sẽ sẽ nấu cơm nhanh hơn, tiết kiệm chi phí điện và hạn chế nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, việc bảo trì nồi cơm điện cũng giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị, giữ cho căn bếp luôn sạch sẽ và đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Với những ai mong muốn tiết kiệm và duy trì hiệu suất của các thiết bị gia dụng trong gia đình, việc vệ sinh nồi cơm điện định kỳ chính là một trong những cách đơn giản mà hiệu quả nhất.