Từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Việc cải cách chính sách tiền lương sẽ:
- Bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương
- Xây dựng 5 bảng lương mới gồm:
+ Bảng lương chức vụ
+ Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
+ Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an
+ Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
+ Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
- Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:
+ Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng ≈ 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp)
- Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành
- Chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng
- Mức lương thấp nhất của khu vực công = Mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Ai được hưởng lương cao nhất
Ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó chỉ đạo chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.
Theo đó, xây dựng thang bảng lương trên tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ.
Hiện chưa có văn bản nào quy định cụ thể về mức lương mới của công chức, viên chức từ ngày 1/7 được ban hành. Nhưng đã có một số thông tin về mức lương mới được Chính phủ và các bộ đưa ra.
Theo Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức từ ngày 1/7 có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng).
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Trong đó, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.
Tức là mức lương khởi điểm của công chức, viên chức trình độ đào tạo đại học tăng từ hệ số 2,34 lên hệ số 2,68. Mức lương cao nhất của công chức, viên chức là chuyên gia cao cấp tăng từ hệ số 10 lên hệ số 12.
Như vậy, mức lương khởi điểm của công chức, viên chức trình độ đào tạo đại học có thể tăng lên khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; mức lương cao nhất của công chức, viên chức dự kiến có thể vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ảnh minh họa.
Cũng theo Bộ Nội vụ, từ 1/7, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lý giải rằng thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế; nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.
Do đó, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Ai có lương thấp nhất sau 1/7?
Vấn đề được rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức quan tâm chính là ai có lương thấp nhất từ 1/7/2024.
Theo khoản 3.1 Điều 3 Mục II tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, tới đây, đối tượng công chức, viên chức trong khu vực công có mức lương thấp nhất sẽ là người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1).
Song khi cải cách tiền lương, mức lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp bậc 1 khu vực công dự kiến sẽ không thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong khu vực doanh nghiệp.
Về chính sách cải cách tiền lương, tới đây dự kiến sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho bảng lương hiện hành.
Đồng thời cũng sẽ chuyển xếp lương cũ sang lương mới, đảm bảo không thấp hơn lương hiện hưởng.
Các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27 được quy định như sau:
- Sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay, thay vào đó sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thống nhất lại chế độ hợp đồng lao động đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (trình độ đào tạo dưới trung cấp) và không áp dụng bảng lương công chức, viên chức với đối tượng này.
- Xác định mức lương thấp nhất của công chức, viên chức khu vực công là mức lương của người làm các công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp bậc 1. Theo đó, lương sẽ không thấp hơn mức lương thấp nhất của lao động qua đào tạo khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ nhằm xác định mức lương cụ thể trong hệ thống bảng lương từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương khu vực doanh nghiệp.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và trước hạn đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sao cho phù hợp với bảng lương sắp ban hành.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27, tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng khu vực doanh nghiệp.
Sau đó tiến tới cao hơn mức lương thấp nhất bình quân khu vực doanh nghiệp và cuối cùng là bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất khu vực doanh nghiệp.
Theo đó, tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức rất có thể sẽ căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng.